Game PC

Game và những lần bị cấm phát hành vì lý do không giống ai – Phần 3

Phát triển game chưa bao giờ là việc dễ dàng, một nhà phát triển game không chỉ phải làm game sao cho thật hay mà còn phải điều chỉnh sao cho phù hợp với thị hiếu thị trường. Bởi lẽ vậy, nhiều trường hợp trớ trêu đã xảy ra, trong đó một số trường hợp game bị ban đơn thuần vì những sự hiểu nhầm đầy lãng xẹt về mặt văn hóa. Một số trường hợp khác thì lại vô cùng đích đáng do sự nhảm nhí, bạo lực, đồi trụy cấp độ cao hay hàng loạt các thứ trên một lúc.

Fallout 3 bị cấm tại Úc vì khuyến khích chơi thuốc lắc

Ở thời kỳ hậu tận thế, khi chiến tranh hạt nhân gần như đã xóa sổ toàn bộ nhân loại, nhóm người còn sống sót cũng chẳng dễ dàng gì tồn tại. Bọn dị nhân, lũ quái vật, môi trường phóng xạ và trên tất cả những điều đó bản thân nhân vật chính/người chơi cũng phải đề phòng với những người xung quanh bởi không ai biết trong cơn điên vì tuyệt vọng họ có thể hành xử như thế nào.

Trong Fallout 3 mỗi khi bị thương nhân vật chính có thể chọn dùng những mũi morphin (phiên bản nhược hóa của heroin, cocain hay dân dã hơn là thuốc lắc) để giảm đau cũng như hồi phục sức khỏe. Ở thời kỳ hậu tận thế khi các chính phủ đã diệt vong thì đó không phải là vấn đề lớn tuy nhiên lúc trò chơi xin cấp phép phát hành tại Úc thì chính phủ sở tại vẫn chưa bị sụp đổ và họ cũng không cho rằng ý tưởng sử dụng chất gây nghiện vô tội vạ – cho dù ở trong trò chơi, là thú vị nên từ chối cấp phép phát hành.

Nếu từng có cơ hội chơi bản đĩa Fallout 3 phát hành tại Úc bạn có biết vì sao game vẫn được ra mắt hay không? À thì cuối cùng Bethesda phải nhượng bộ và tất cả các liều morphin trong game đều bị đổi sang tên gọi Med-X, dĩ nhiên là tác dụng của chúng vẫn y chang nhau thôi, chơi nhiều gây ảo giác và chơi quá liều thì bùm gg;wp. Nhân tiện hệ thống chế tạo Med-X trong game cũng phải giản lược đi kha khá vì nguyên bản nó giống y như thao tác chế thuốc lắc ngoài đời thật vậy. Làm tốt lắm Bethesda!

Counter-Strike bị cấm tại Brazil vi mô tả xứ này toàn khu ổ chuột

Nhắc đến Brazil hay đại thành thị Rio de Janeiro người ta thường chỉ nhớ đến những bãi biển đầy ánh nắng và những người đẹp bốc lửa. Họ quên rằng phía bên trong thành phố còn có những địa ngục của súng đạn và ma túy mà tiêu biểu là những khu dân cư ổ chuột với đầy rẫy tệ nạn.

Quay trở lại với Counter-Strike, trong game này có gì đó khiến quan chức chính phủ ngứa mắt? Bắn giết tưng bừng? Bọn khủng bố? Hay các câu trashtalk chửi thề như điên của đám game thủ mỗi khi bị thằng nào đó làm thịt? Không, điều mà chính phủ Brazil cảm thấy phật lòng về tựa game của Valve chính là dám can tội cho phép người chơi tạo custom map mà trong đống map đó – đáng quan ngại thay, lại có một cái bản đồ chết tiệt mô tả xứ này toàn là mấy khu ổ chuột.

Thậm chí giới lãnh đạo nước này còn gán cho game một cái tội hơi bị nhạy cảm là chống lại chế độ dân chủ mặc cho Modern Warfare 2 cũng có trò tạo custom map, cũng có map miêu tả Brazil toàn khu ổ chuột và nó không bị cấm, thế mới khôi hài. Phải đến 10 năm sau game mới xin được giấy phép thông quan tại xứ Samba và điều đầu tiên mà game thủ xứ này làm chính là tạo ra một custom map với đất nước Brazil toàn những khu ổ chuột thiệt hoành tráng, xin chia buồn cùng các ông nghị Brazil năm ấy.

Football Manager 2005 bị cấm tại Trung Quốc vì công nhận Tây Tạng độc lập

Nội dung các tựa game theo thời gian trở nên phức tạp hơn nên ngày càng có nhiều trò chơi âm thầm truyền bá các chủ đề ít nhiều dính líu đến chính trị. BioShock đề cập đến chủ nghĩa chính trị trung dung trong xã hội, Watch Dogs mô tả cuộc chiến an minh mạng trong thời kỳ kỹ thuật số cũng như gián tiếp phê phán nhà cầm quyền Hoa Kỳ tuy nhiên riêng Football Manager 2005 đã đẩy điều này đi quá xa khi công nhận nền độc lập cho Tây Tạng.

Phong trào công nhận Tây Tạng độc lập chủ yếu do cộng đồng người Tây Tạng ở các nước như Ấn Độ và Hoa Kỳ, và bởi những người nổi tiếng và Phật tử Tây Tạng tại Hoa Kỳ và châu Âu. Phong trào này không được hỗ trợ bởi Đạt Lai Lạt Ma 14, người có chủ trương độc lập từ năm 1961 đến cuối những năm 1970, đề xuất quyền tự chủ trong bài phát biểu tại Strasbourg năm 1988.

Cái chuyện này nhìn chung khá phức tạp, thậm chí đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn bị lôi ra để đưa lên bàn đàm phán hoặc để tranh cãi và chắc bọn game thủ chúng ta cũng không mấy quan tâm đâu. Tuy nhiên trong bản Football Manager 2005, NSX SEGA đã công nhận Đài Loan, Hồng Kông và Tây Tạng là các quốc gia độc lập mà game thủ có thể chọn để chơi. Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng có phản ứng bằng cách cấm phát hành và tuyên bố trò chơi đe dọa “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Thiệt tình, làm game thì cứ lo chuyên tâm mà làm game đi dính líu chính trị làm gì cho nó phiền phức như vậy?

Medal of Honor bị cấm tại các căn cứ quân sự Mỹ vì cho chơi phe Taliban

Thêm một vụ cấm đoán hơi kỳ quặc nhưng chẳng khiến người ta ngạc nhiên nếu nhìn vào những gì mà phiến quân Taliban đã gây ra cho đất nước Hoa Kỳ. Trong các tựa game bắn súng, đặc biệt là những trò lấy bối cảnh Thế chiến, việc game thủ được điều khiển các nhân vật thuộc phe Phát xít đã không còn xa lạ thế nhưng dù sao cuộc chiến đó đã xảy ra quá lâu và người ta cũng chẳng còn ấn tượng gì nhiều ngoài các con số trong sách vở.

Tuy nhiên bản Medal of Honor phát hành năm 2010 – chưa tròn 10 năm sau cuộc khủng bố kinh hoàng ngày 11/9, EA đã cho phép game thủ chọn lựa một nhân vật thuộc phe khủng bố Taliban và điều này thổi bùng lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trên toàn bộ xứ cờ hoa. Cuối cùng mặc dù trò chơi không bị cấm tại Mỹ nhưng ít nhất trong khu giải trí tại các căn cứ quân sự của nước này, Medal of Honor là đầu game không được phép xuất hiện.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button