Game PC

Những rắc rối thú vị mà chỉ game thủ lâu năm mới hiểu

Là một game thủ lâu năm bạn sẽ trải qua nhiều khóc, cười cùng game và cũng từ đó có những vấn đề rất đặc biệt gặp phải trong quãng đời chơi game của mình. Có thể chúng khó chịu hay bực bội trong lúc gặp nhưng sau một thời gian, khi mình đã trở thành game thủ lâu năm nhìn lại.

Những cutscene không thể tua qua

Bạn đã bao giờ phải chơi một game không thể bỏ qua cutscene? Bạn thậm chí đã phá đảo game đó nhiều lần, hoặc đơn giản bạn chỉ đang cố gắng hoàn thành một “màn” chưa qua được, mỗi lần bị hạ bạn lại phải xem đi xem lại một đoạn phim nhàm chán mà không có cách nào tua được, quá khó chịu!

Cách tốt nhất là bạn nên tìm cách cố gắng “qua màn” để không phải học thuộc lòng đoạn phim xem mãi thành nhàm đó. Tiêu biểu như God of War hay Metal Gear Solid IV, game hay đấy nhưng có cần thiết phải ghét nhau vậy không!

Bỏ lỡ cốt truyện, cutscene troll

Không thể bỏ qua cutscence cũng khó chịu, nhưng nhiều khi lỡ tay bấm bỏ qua cũng khiến bạn lầm vào tình trạng “đây là đâu, tôi là ai”. Thậm chí có nhiều khi bạn đang chiến đấu căng thẳng, bỗng dưng cutscene hiện ra, không biết kéo dài bao lâu.

Và rồi bất ngờ hết “cái rụp” mà không báo trước kéo bạn quay lại với nhiệm vụ ngay lập tức, bạn bị hạ gục mà không kịp trở tay, không thể phản ứng. Bạn đang lim dim thưởng thức đoạn phim bỗng dưng giật thót lao vào bàn phím như bay nhưng vẫn không kịp…

Không cho save game

Rất nhiều game hiện nay bắt người chơi phải đến một điểm nào đó mới được phép save game mà không có chức năng Quick Save. Đồng ý là Quick Save vẫn có những mặt tiêu cực như làm vỡ game thành từng mảnh hay việc trải nghiệm game không như ý muốn của nhà phát hành, nhưng không phải lúc nào cũng vậy!

Có những game cần phải trải nghiệm, người chơi muốn khám phá, tìm hiểu các hướng đi, các phương án khác mà trong lòng không phải lo sợ việc phải bắt đầu lại từ đầu. Không chỉ là “Save cho chắc”, đôi khi Save là để mạo hiểm đối mặt với thử thách khó hơn. Đáng mừng là càng về sau, các game càng cân bằng tính năng Auto Save hay Checkpoint hơn tùy thuộc vào độ khó và nhiệm vụ.

Lỗi save

Đây, chính nó, đúng là nó rồi! Cày game nhiều ngày, bao nhiêu là mồ hôi nước mắt, bao nhiêu là thời gian, sau một lúc nghỉ ngơi bật game thì lên thì hỡi ôi… Tất cả cũng chỉ là công dã tràng! Đã có rất nhiều game thủ từ bỏ một game nào đó chỉ vì không đủ kiên nhẫn để chơi lại từ đầu do lỗi save. Đừng buồn, bạn không cô đơn đâu!

Chơi game và “xuyên không”

“Nốt game này thôi”, “trận cuối cùng”, “hết nhiệm vụ này nghỉ”,… Tôi chắc rằng game thủ nào cũng đã từng trải qua cái cảm giác “dính”, không dứt khoát rời khỏi thế giới mê hoặc mà mình đang trải qua. Tuyệt vời hơn nữa là cảm giác chờ game ra cả tháng, hóng từ trailer cho đến bản Beta, hoặc cả ngày bận bịu đến tối mới có thể đụng vào máy chơi game thân yêu.

Bạn ngồi xuống và trải nghiệm tựa game yêu thích của mình một cách thoải mái và sản khoái nhất. Tất cả đều tốt đẹp cho đến khi bạn xem lại đồng hồ… Đây là đâu, tôi là ai? Hôm này là ngày nào vậy???

Bạn hoàn toàn mất khái niệm về thời gian khi ở torng game cứ như bạn xuyên không và thế giới torng game vậy, cảm giác như chơi 30 phút nhưng đôi khi đồng hồ trên tường đã chạy hết… 4 tiếng.

Nghe những lời không hay về việc chơi game

“Chơi game vừa tốn thời gian, vừa phí tiền bạc, tốn công sức và hại sức khỏe” – đó là câu thiên hạ cứ nhắc ra rả khi nói về người chơi game. Nghe thì rất khó chịu nhưng cũng phải thông cảm vì họ chưa từng chơi game hoặc chơi game không hề nhập tâm nên có những quan niệm sai lầm về game.

Mặc dù bạn biết chơi game nó như thế nào nhưng lại chả thể nào giải thích được cho người “ngoại đạo” rằng game thực sự là cái gì, mà có cố làm thì có khi họ chả tin bạn nữa. Khổ thế đấy.

Bị làm phiền khi đang chơi game

Ai cũng vậy, lúc nào chơi game cũng sẽ có những điều phiền phức ở đâu đâu bay đến. Khi còn ở với gia đình, cứ đợi đến khi bạn chơi game thì mẹ bắt dọn nhà, lau quét nhà, đi chợ, em gái nhờ làm bài tập, bố nhờ phụ bưng đồ…

Kể cả những game thủ đã đi làm, ở riêng cũng không tránh khỏi. Đang chơi game thì có người giao hàng, hết người thu tiền điện, tiền nước đến người thu tiền…rác, rồi bạn bè gọi đi cafe, người yêu gọi đi chơi, cả sếp cũng gọi hỏi công việc. Mọi người ơi cho chút riêng tư đi mà!

Tiếng tạp âm từ microphone của người khác

Không phải chỉ tiếng chuông điện thoai đâu, tiếng ồn do micro của người chơi cùng cũng khó chịu lắm đấy. Tiếng nhai đồ ăn lạo xạo, tiếng quạt vù vù, tiếng ồn của những người khác,… Đối với những game thủ hiện đại chơi những game có tính năng online hay co-op, chuyện này là thường xuyên.

Có thể do người ở đầu bên kia không để ý, nhưng nó thực sự rất ồn ào, đặc biệt là tiếng “ù ù” của quạt máy. Stress nhất là trong những lúc bạn đang combat căng thẳng, trong một trận chiến sinh tử hay đơn giản chỉ là một đường đua nhưng không thể tắt âm thanh ấy, vì nếu tắt nghĩa là không thể chat voice được.

Ngồi trên đống game nhưng không có gì để chơi

Sự thật đã chứng minh rằng cho dù cả list game dài trong máy của bạn hiện ra, có nhiều game bạn còn chưa “phá đảo”, thậm chí còn chưa từng chơi. Bạn gom góp chúng qua nhiều năm, nhiều kỳ Steam Sale để có được một bộ sưu tập game đỉnh từ cổ chí kim. Nhưng đến phần “mở ra chơi” bạn là cứng đờ ra.

Phần lớn là do bạn không có tâm trạng, không có hứng thú với những tựa game ấy hoặc đơn giản là chơi qua nhiều lần rồi nên… ngán không muốn chơi lại lần nữa. Cách tốt nhất vào những lúc này là bạn nên đứng dậy, ra đường khám phá, tụ tập bạn bè hay tìm một thú vui giải trí khác.

Game quá khó, bỏ qua hay chơi tiếp?

Chết hàng chục lần, nhiều đến nỗi bạn không thể đếm được số lần mình đã thất bại chỉ trong một nhiệm vụ. Nhìn cái game “I Wanna Be the Guy”, “Flappy Bird” hay “The Impossible Game” mà xem, nó đâu có giải trí, thậm chí nó còn chẳng là game, nó chỉ gây ức chế thôi!

Nếu chơi game lâu năm kinh qua nhiều đầu game bạn sẽ gặp trường hợp này. Và luôn đứng trước quyết định là “khó quá bỏ qua” hay “mặt dầy chơi tiếp”. Đôi khi bạn bỏ qua nhiều năm trời sau đó trở lại và vượt được điểm bí đó, cảm giác cũng không tệ.

Văng game, đứng máy chưa kịp save

Đừng, xin đừng đập máy, cũng đừng vứt máy tính của bạn qua cửa sổ! Ai cũng gặp trường hợp này, đang hay thì đứt đây đàn, và cũng không hiểu tại sao việc này lại xuất hiện THƯỜNG XUYÊN và với TẤT CẢ MỌI NGƯỜI?

Nhiều lúc chỉ cầu mong cho game kịp save hay một trận đấu online vẫn còn có thể kiểm soát được khi game bị crash hay đứng máy, nhưng hầu hết câu trả lời là không! Và đến nước đó thì bạn phải chấp nhận làm lại từ đầu với đống đổ nát vốn chẳng phải do bạn gây ra.

Nhà sản xuất bỏ game nhưng không xác nhận

Khi bạn chơi qua các game có tính tiếp nối với nhiều phần game ra mắt, bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng khi quá lâu không có phần kế tiếp ra mắt. Mặc dù tí ai tuyên bố dõng dạc rằng họ sẽ không làm game đó nữa nhưng chờ 3 – 4 năm mà không thấy gì thì khả năng cao là đã “xong” rồi.

Nếu bạn chơi những game như Mass Effect, Red Alert, Age of Empires… bạn sẽ hiểu cảm giác chờ đợi hy vọng mặc dù biết 99% nó không thể làm tiếp. Rất ít những trường hợp “thần kỳ” như Diablo III được làm tiếp sau chục năm chờ đợi.

Bảo trì sever đúng lúc có hứng chơi nhất

Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, một ngày nghỉ sau cả tuần vất vả, bạn hẹn đám bạn của mình vào game cùng nhau chinh chiến một tựa game online yêu thích. Suốt đêm qua bạn nghĩ ra những chiến thuật mới, những cách chơi mới, những hành động khiến tụi nó phải ngã mũ thán phục. Thế nhưng “may mắn” thay, hôm đó sever bảo trì! Ok, I’m fine!

Bạn sẽ có một ngày đờ đẫn không biết phải làm gì trong khi các dự định tốt đẹp bị ách lại trong cái server đang bảo trì đó. Bạn đành mò một game nào đó để chơi cho qua bữa hay may mắn hơn là hẹn hội bạn “kẹt bảo trì” đi café hay ăn uống.

Đĩa game cũ bị hỏng

Điều mà chỉ các game thủ lâu năm tồn tại từ thời đĩa quang thống trị mới trải qua. Bỗng dưng nhớ về tựa game thời thơ ấu, ước mơ làm cậu bé rừng xanh Tazan, vị thần Hercules hay Vua sư tử, bạn tìm trên mạng nhưng không thấy bản hoàn chỉnh, liền lục tung cả nhà lên để tìm những chiếc đĩa game mà bản thân từng quý như kho báu.

Thấy chúng nằm trong một góc xó xỉnh nào đấy, với chiếc thì hư, chiếc thì trầy xước. Dù bạn có cố gắng lau chùi cách mấy thì những chiếc đĩa ấy cũng đã không thể dùng được nữa, cái đầu đĩa vẫn “khẹc khẹc, khè khè” chứ nhất quyết không copy được gì ra. Thôi thì chúng chỉ còn giá trị làm những kỷ vật thời thơ ấu vậy!

Nếu đã trải qua tất cả những rắc rối trên thì xin chúc mừng, bạn là một người may mắn khi có rất nhiều kỷ niệm đẹp với game! Nếu bạn là một game thủ lâu năm có những kỷ niệm tương tự, hãy kể lại dưới phần bình luận nhé.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button