Game PC

Far Cry 5 – Khi gameplay phải “gánh tạ” cho cốt truyện

Là một fan của dòng game chiến tranh sống còn này, Mọt Game hết sức tức giận sau khi hoàn thành Far Cry 5. Đó là sự tức giận đến từ cái gameplay lẽ ra sẽ đạt mức khá lại bị cái cốt truyện nhảm nhí nó “đè bẹp” không ngóc lên nổi. Cả tổng thể game cũng vì thế bị lao dốc về chất lượng một cách không đáng.

Cốt truyện – một thông điệp sai lầm và quá khó hiểu

Như bài viết trước có giới thiệu cảm nhận ban đầu về Far Cry 5, cốt truyện game khởi đầu với sự kiện US Marshal với đại diện là 1 sĩ quan đến phối hợp cùng lực lượng cảnh sát trưởng địa phương bắt giữ Joseph Seed. Giáo phái Project Eden’s Gate (PEG) của ông ta đã lớn mạnh đến một mức đầy nguy hiểm khi có cả một quân đội riêng và có những hành vi bất minh bị người dân địa phương tố cáo.

Có 5 người vào, đoán xem bao nhiêu người ra?

Đội đi bắt người có 5 thành viên bao gồm sĩ quan US Marshal, cảnh sát trưởng Whitehorse, nhân vật chính là phó cảnh sát trưởng Rook, nữ phó cảnh sát trưởng Hudson và phó cảnh sát trưởng Pratt. Chiếc trực thăng 6 chỗ đáp xuống nhà thờ của PEG, cảnh sát trưởng hỏi US Marshal lần cuối “có nghĩ kỹ chưa?” và ông ta có vẻ quyết tâm làm tới cùng.

Khi đọc lệnh bắt trước ánh mắt đổ lửa của giáo chúng xung quanh, Joseph Seed cảnh báo việc bắt ông ta sẽ ứng với lời tiên tri và kích hoạt “the collapse” (tiến trình sụp đổ) ý chỉ ngày tận thế đã đạt đến bước đầu tiên. Chiếc trực thăng chở Joseph Seed không thể đi xa vì giáo chúng của ông ta trèo lên giằng lại khiến nó bị rơi và 5 người trong đoàn bị bắt giữ hoặc mất tích.

Giáo chúng của Joseph đằng đằng sát khí

Rook và US Marshal thoát ra được và cùng nhau tìm cách đào thoát khỏi Hope County bằng đường bộ về tổng hành dinh gọi cứu viện từ lực lượng vệ binh quốc gia (National Guard), lực lượng quân đội nội địa của Mỹ. Tuy nhiên họ đụng chốt chặn của PEG và xe lao xuống sông, US Marshal bị bắt và Rook được một cựu chiến binh người địa phương cứu về căn hầm của ông ta.

Từ đây Rook bắt đầu cuộc chiến chống lại giáo phái đầy bạo lực và khát máu PEG. Trong khi đó Joseph chính thức tuyên bố đấu hiệu đầu tiên đã xuất hiện và kêu gọi toàn bộ giáo phái khởi động kế hoạch được sắp xếp từ trước. Cả giáo phái lập tức tràn ra tấn công hạt Hope để cướp phá tài sản và dùng vũ lực ép người dân gia nhập nhằm chuẩn bị cho ngày tận thế sắp tới.

Ân nhân cứu mạng của Rook là cựu chiến binh Dutch

Thực sự thì đến bước này Mọt tui rất kỳ vọng sẽ có những tuyến cốt truyện xoắn não, nút thắt và những hé lộ bất ngờ như Far Cry 4. Nhưng không, ngay từ kết thúc ẩn ngắn một cách hời hợt đã thấy thông điệp “hãy để cho chúng yên, đừng động vào”. Nhưng khác với Pagan Min của Far Cry 4 có một lý do hết sức thú vị mà người chơi sẽ vỡ lẽ ra rằng có lẽ từ đầu giải pháp phi bạo lực là tốt thì ở phần này hoàn toàn phi lý.

PEG với những điều ác ôn mà họ làm từ đầu đến cuối game lại được “bảo vệ” bằng thông điệp chính của game khiến người chơi có cảm giác bản thân game dung túng cho cái ác còn người chơi không có cách nào có thể chống lại được. Tất cả đều là “bất lực” trải dài trong suốt game cho đến cái kết. Tính cả kết thúc ẩn thì Far Cry 5 có 3 cái kết khác nhau nhưng không cái kết nào gọi là “good ending” cả. Cả 3 cái kết đều nhuốm một màu đen tối và cái ác được để mặc cho tồn tại. Cái kết bi không tới nhưng viên mãn cũng không.

Giết người đốt nhà xong đổ lỗi cho người chơi, hay lắm!

Và Mọt tui đặc biệt khó chịu với con mụ Faith Seed, không biết có đánh răng chưa mà lần nào gặp cũng thổi “tiên khí” vào mặt mình.

Hệ thống Roster – Một điểm sáng đáng kể

Khác với những chiến binh Golden Path chỉ xông ra một thời gian rồi thôi, Far Cry 5 sử dụng hệ thống đồng hành được thử từ phiên bản Primal với những con thú thuần hóa, lần này nó được phát triển cho người với tên gọi Roster. Nói ngắn gọn thì Roster là một dàn bạn đồng hành hùng hậu mà người chơi có thể “sưu tập” và gọi ra hỗ trợ bên cạnh xuyên suốt game.

Roster là hệ thống gồm 3 thú, 6 chuyên gia và 3 chiến binh đồng hành cho bạn chọn sử dụng

Các đồng hành này sẽ theo sát người chơi mọi lúc mọi nơi, có thể thay đổi người và nó chia làm 2 loại là Gun for Hire và Specialist. Gun for Hire là các chiến binh mà bạn gặp trong suốt game, số lượng có thể lên đến hàng trăm nhưng bạn chỉ lưu giữ được 3 người trong Roster. Specialist là những chiến binh đặc biệt hơn bao gồm 3 con thú và 6 người với khả năng đặc biệt rất riêng.

Mỗi Specialist cần được thực hiện 1 nhiệm vụ riêng trước khi chịu về phe người chơi

Bạn sẽ có những trải nghiệm không thể “đã” hơn khi chiến đấu dưới mặt đất mà lại được phi công Nick Rye hay bà già gân Drubman dùng máy bay yểm trợ phía trên. Tất cả mục tiêu có thể thấy được từ bầu trời đều sẽ “ăn đạn” nếu dám động vào bạn. Ngược lại nếu có cặp đôi sư tử núi Peaches và thợ săn xinh đẹp Jess, bạn sẽ có một team ninja chính hiệu hạ cả một thành trì mà không ai hay biết gì.

Xe cộ xài mút chỉ

Các loại phương tiện di chuyển được bổ sung cực phong phú trong Far Cry 5. Ngoài các loại xe trên bộ như cũ đồng thời được bổ sung thêm hàng loạt mẫu mới thì hệ thống shop cũng ra đời khiến bạn có thể mua nhanh xe cộ tùy ý.

Xe xịn nhé, không phải mấy chiếc đồng nát ngoài đảo hay trên núi đâu

Các phương tiện này chia thành các nhóm như xe cộ, tàu – thủy phi cơ, máy bay và trực thăng – mỗi nhóm có một shop riêng để người chơi mua và sử dụng. Khi đã mua rồi thì bạn hoàn toàn có thể đến bất cứ shop cùng loại nào và “gọi” nó ra để sử dụng.

Mọt tôi đã rất phấn khích khi mua một chiếc Buggy sơn màu lòe loẹt và nhận ra nó hoạt động giống như phiên bản nâng cấp của chiếc xe địa hình nhưng có 4 chỗ ngồi. Và bạn có biết cảm giác lái máy cày nó lạ thế nào không? Rất thú vị!

Trực thăng cũng có nhiều loại trông đẹp mắt

Nếu trong Far Cry 4 trực thăng là một cái gì đó như… đồng nát thì ở phiên bản này nó không chỉ bay được mà những loại cao cấp có trang bị cả súng máy và tên lửa, máy bay cũng vậy, cứ thế mà nã thôi.

Hệ thống nhiệm vụ vừa thú vị vừa đa dạng

Nhiệm vụ trong game giờ đây được bổ sung một kho lớn trải dài khắp bản đồ của Far Cry 5. Có nhiều loại nhiệm vụ khác nhau bên cạnh các loại “kinh điển” như cốt truyện, ám sát hay giải thoát con tin. Thu thập các món collectibles giờ đây cũng được làm thành các tuyến nhiệm vụ khác nhau.

Không chỉ vậy, tên của các nhiệm vụ cũng được đặt rất “troll”, ví như ông bố của tên Hurk, vâng bạn sẽ gặp không chỉ bố mà còn em họ của hắn tại quê nhà nữa. Ông ta giao một nhiệm vụ giúp ông ta tranh cử nghị sĩ bang và tên của nó là “Make Hope Great Again”, nghe quen không?

Cũng có nhiều nhiệm vụ mà bản thân phần nội dung của nó rất là bựa, ví dụ sau khi giải phóng thị trấn Fall’s End, vợ của thằng bạn Nick Rye đau bụng đẻ và bạn phải lái xe đưa vợ chồng nhà này ra nhà hộ sinh. Con đường thôn quê hôm đó không yên ả như mọi khi mà rất sôi động.

Một nhiệm vụ Prepper Stash lại bắt bạn phải đi qua một ngôi nhà ma do chính chủ nhà dựng. Sau khi vượt qua được và lên nơi chứa đồ điện thoại sẽ reo vang và bạn nghe được giọng người khoái trá của chủ nhà. Thú thật, cái nhà ma không đáng sợ nhưng cú điện thoại và giọng cười làm Mọt tui hơi… lạnh gáy.

Nên tự lái xe và không bao giờ cho đứa đồng hành lái trực thăng

Roster đồng hành và xe cộ trong Far Cry 5 rất tốt, nhưng 2 thứ này kết hợp lại là thảm họa. Cũng như các phần trước, chức năng tự lái xe được thêm vào game giúp bạn chỉ cần chọn địa điểm và ấn “shift” xe sẽ tự lái đến đó.

Hệ thống tự dẫn đường chỉ hiện lên khi ngồi vào xe

Đặc biệt hơn, nếu bạn cố ý chui vào xe ở ghế phụ thì chiến binh đồng hành sẽ ngồi vào ghế lái và lái xe. Điều này rất tuyệt vời vì không chỉ xe sẽ tự lái mà bạn ngồi ở ghế phụ còn không bị giới hạn vũ khí như ghế lái, bạn có thể dùng tất cả mọi vũ khí của mình để nhoài ra cửa xe và bắn.

Khi bạn lên xe thì đồng hành cũng tự trèo lên theo và sẽ bắn giúp nếu dọc đường chạm trán kẻ địch

Nghe thì hấp dẫn nhưng chức năng tự lái chỉ chạy được trên… đường nhựa, vào đường đất liên thôn là nó ngưng chạy dù cái đường còn rộng hơn cả đường nhựa. Bản thân AI lái cũng chỉ được tối ưu trên đường, nếu bạn lỡ để đồng hành lái trực thăng thì sớm muộn gì cũng rớt vì nó bay loạn xạ và bắn trả bất kỳ thứ gì có vẻ thù địch bên dưới.

Sắp xếp tiến trình quá tệ

Đối với một game, việc sắp xếp tiến trình đi của bạn là một trong những thứ rất quan trọng để tạo ra trải nghiệm thỏa mãn cho người chơi. Tuy nhiên trong Far Cry 5, việc này đã liên hợp với cốt truyện tạo ra một thảm họa kinh khủng.

Mỗi lãnh địa có danh sách các thứ cần hoàn thành riêng, trông khá giống Rise of the Tomb Raider

Game cho phép bạn tự do lựa chọn 1 trong 3 vùng lãnh địa của 3 phó tướng cũng là anh em của Joseph Seed. Điều đó kéo theo việc tiến triển về độ khó và các loại vũ khí drop hầu như không được xây dựng. Kẻ địch lúc nào cũng cầm những khẩu cùi bắp như AR-C, Shotgun đời đầu, súng ngắn 1911. Rất ít kẻ địch sử dụng vũ khí cao cấp về sau như Magnum hay RPG, còn AKM hay MP5SD thì hoàn toàn không có, nên hầu như bạn chỉ có thể mua từ shop không thể nhặt bên ngoài như các phiên bản trước.

Khẩu Prestige SA50 này có thể mua mọi lúc, không cần chờ unlock

Mặt khác, do các súng “prestige” được bán sẵn nên khi “cày” đủ tiền bạn có xu hướng mua trước xài luôn thay vì chờ phiên bản thường của nó quá lâu để unlock theo tiến trình. Điều này làm các phiên bản thường gần như vô giá trị. Mọt tôi bỏ 7.200 đồng ra mua khẩu SA-50 prestige ngay từ khu vực đầu tiên và từ đó về cuối game 2 khẩu bắn tỉa 50cal trong shop có cũng như không, chẳng mấy bận tâm.

Kẻ địch cũng vậy, nó được phân bố theo vùng nên có thể ngay từ đầu bạn đụng với loại lính hạng nặng như lính phun lửa, lính súng máy nhưng về tổng thể thì chúng khá ít.

Cái thô bỉ nhất là các level resistance, mỗi lần bạn gây thiệt hại cho một thủ lĩnh khu vực đến mốc nào đó bạn sẽ lên cấp resistance đồng nghĩa với mở thêm súng và sẽ bị một nút thắt cốt truyện khiến phải đối mặt trực diện với thủ lĩnh ấy. Tuy nhiên việc sắp xếp cho tình huống đó được thực hiện một cách rất lười biếng.

Mỗi thủ lĩnh có 3 mốc trước khi đến phần “đấu trùm”

Khi đến mốc, kẻ địch cử 1 đội “tinh binh” thộp cổ bạn ngay lập tức ở bất cứ đâu. Chúng sẽ bắn 1 phát thuốc mê và bạn lăn ra ngất, cảnh kế tiếp khi tỉnh lại là… bị trói gô trước mặt trùm. Nó không được “làm mềm” bằng những tình huống tự nhiên mà cứ như ông thu tiền điện, tới thời điểm là đến lôi bạn đi. Vài lần còn được nhưng 3 thủ lĩnh mỗi người 3 level thì bạn có 9 lần bị đến lôi đi như vậy, thật là chán kinh!

Đồ họa, âm thanh vẫn xuất sắc như mọi khi

Có thể nói đồ họa và âm thanh là 2 thứ khó mà chê được của Far Cry 5, với sự tối ưu cực tốt, game thủ hoàn toàn có thể chơi Far Cry 5 mức thấp với cấu hình máy tương đương Far Cry 4. Chỉ cần máy bạn chạy được phần 4 thì khả năng cao là đủ cấu hình chơi phần này với một độ nét vừa phải, không quá xấu xí. Ngược lại nếu bạn chơi trên console hoặc có máy cấu hình mạnh hơn, bạn hoàn toàn có thể tận hưởng “max” đồ hoạ với mọi hiệu ứng cao cấp lung linh.

Tất cả hình ảnh của bài viết này đều được Mọt tui chụp ở chế độ đồ họa thấp nhất của game đấy. Máy yếu khổ quá mà! Hu hu hu!

Phần âm thanh tuy không có gì vượt trội nhưng có thể nói là tương đương các bản trước với những âm thanh của rừng núi, tiếng súng thay đổi khi sắp hết đạn, tiếng súng nổ vang vọng, tiếng các cho vật gầm rú… đều được làm khá tốt.

Thậm chí họ còn lồng tiếng cuộc trò chuyện giữa Hurk và 1 Specialist trong đội của bạn

Phần lồng tiếng cho các đồng hành cũng được làm chi tiết, họ sẽ báo các tình huống như thay đạn, di chuyển, phát hiện địch và đặc biệt là khen bạn mỗi khi headshot kẻ địch.

Chất lượng khá nhưng vẫn không bằng các bản trước

Chính vì cốt truyện quá tệ kèm sắp xếp tiến trình dở nên Far Cry 5 có thể nói là một sản phẩm đủ tiêu chuẩn để là một thành viên của dòng Far Cry nhưng không thể trở thành tựa game đỉnh trong số các anh em.

Trông giống chế độ thử thách trong Call of Duty Modern Warfare 2 không?

Để “cứu vớt” thì nhà sản xuất cũng thêm vào phần chơi Far Cry Arcade nhưng nhìn lại thì chỉ là kiểu chơi màn tự tạo rồi thăng cấp lấy điểm như các game Call of Duty Modern Wafare thời trước. Chỉ khác là các map của CoD do nhà sản xuất tạo một cách chuyện nghiệp còn map này do người dùng tạo với chất lượng thượng vàng hạ cám đủ cả.

Nhìn chung với một fan của dòng game này bạn có thể chơi thử để hưởng những điểm hấp dẫn trong gameplay, đừng để ý cốt truyện và cũng đừng tiếc mấy cái kết nhảm hụt hẫng là được.

Cấu hình tối thiểu cho PC:

Hệ điều hành: Windows 7 SP1, Windows 8.1, Windows 10 (bắt buộc phải là 64-bit)
CPU: Intel Core i5-2400 @ 3.1 GHz hoặc AMD FX-6300 @ 3.5 GHz
Bộ nhớ: 8 GB RAM
VGA: NVIDIA GeForce GTX 670 hoặc AMD R9 270 (2GB VRAM hỗ trợ Shader Model 5.0 trở lên)
DirectX: Version 9.0c
HDD: 40 GB ổ cứng trống

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button