Tin Tức Sự Kiện ÔTÔ

Hãng xe lạ hoắc tới từ Hy Lạp công bố siêu phẩm SP Automotive Chaos: Mạnh hơn 3.000 mã lực, kiến tạo khái niệm “ultracar“

Vào năm ngoái, hãng siêu xe khởi nghiệp Hy Lạp Spyros Panopoulos Automotive (viết tắt là SP Automotive) tới từ Hy Lạp đã bước đầu gây xôn xao với dự án Chaos Project. Tuy nhiên ngoài mục tiêu sức mạnh đạt tới 3.000 mã lực, một số hình ảnh hé lộ cũng như vài chi tiết được in 3D bằng titan, ở thời điểm đó công ty vẫn chưa công bố bất kỳ hình ảnh nào về siêu xe này. Tới thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa được thấy một chiếc SP Automotive Chaos ‘bằng xương bằng thịt’ nhưng ít nhất, hãng đã công bố những chi tiết xung quanh mẫu xe được mệnh danh là ‘Ultracar’ này.

 Ultracar được hãng Spyros Panopoulos định nghĩa là một khái niệm xếp trên hypercar đã trở nên quen thuộc, và SP Automotive Chaos có những con số để chứng minh điều đó. Xe được trang bị động cơ V10 tăng áp kép 4.0l hoàn toàn mới, truyền sức mạnh tới cả 4 bánh thông qua hộp số tự động ly hợp kép 7 hoặc 8 cấp. Động cơ này được SP Automotive thiết kế hoàn toàn từ con số 0 với lốc máy bằng nhôm phôi hoặc hợp kim Magie in 3D; piston cùng tay biên titan in 3D, trục cam in 3D, van titan hoặc Inconel. Thậm chí cặp  tăng áp cũng được làm bằng sợi carbon, titan, magiê và các hợp chất gốm.

 Với một thiết kế động cơ nhưng sử dụng các vật liệu khác nhau, Chaos sẽ có 2 phiên bản công suất khác nhau. Trong đó bản Earth Version đạt công suất lên tới 2.049 mã lực và mô-men xoắn 1.389Nm, vòng tua máy cực đại từ 10.000-11.000rpm. Phiên bản này chỉ mất 1,9 giây để tăng tốc từ 0-100km/h, 0-300km/h trong 7,9 giây và chạy hết đường đua 1/4 dặm (400m) trong vòng 8,1 giây. Nhưng nếu thêm tiền, khách hàng sẽ có bản Zero Gravity mà theo SP Automotive, tăng tốc nhanh hơn bất kỳ chiếc xe 2 hoặc 4 bánh nào từng được sản xuất thương mại.

 Chaos Zero Gravity được cho là đi từ 0-100km/h trong 1,55 giây, từ 100 đến 200km/h trong 1,7 giây và từ 0 đến 300km/h trong 7,1 giây. Thời gian hoàn thành 1/4 dặm được tuyên bố là 7,5 giây, nếu được chứng minh là đúng thì đồng nghĩa với việc chiếc xe sẽ nhanh hơn tới tận 1 giây so với người nắm giữ kỷ lục hiện tại: Rimac Nevera (8,58 giây). Con số này có được là nhờ vào động cơ mạnh tới 3.065 mã lực và 1.984Nm, cùng với tua máy cực đại 11.800-12.200rpm.

SP Automotive nói rằng tốc độ tối đa của Chaos Zero Gravity vượt mốc 500km/h, một lần nữa sẽ khiến nó nhanh hơn đáng kể so với SSC Tuatara (455,3km/h) và Bugatti Chiron Super Sport 300+ (490,484km/h). Hãng cho biết rằng nỗ lực phá kỷ lục tốc độ với chiếc xe sẽ diễn ra tại đường thử Ehra-Lessien với Red Bull là nhà tài trợ. Vấn đề là Ehra-Lessien hiện đã thuộc quyền sở hữu của Volkswagen và không biết làm cách nào để SP Automotive thuyết phục được ‘ông kẹ’ Đức cho phép thử nghiệm một mẫu xe mà nếu thành công, sẽ hạ bệ kỷ lục của Chiron Super Sport 300+.

Về thiết kế, Chaos có kiểu dáng rất dữ dằn và phức tạp với những đường nét góc cạnh; cùng hàng loạt các vây, cánh và hốc gió bao quanh thân. Một số chi tiết của mẫu ‘Ultracar’ này khiến người ta nhớ về những siêu xe khác trong quá khứ như phần đầu kiểu Ferrari Enzo, đuôi na ná Pininfarina Battista hay hệ thống đèn hậu LED như một bàn chông giống Aston Martin Vulcan. Theo SP Automotive, Chaos sẽ có ‘hiệu năng khí động học tốt nhất từng được áp dụng lên một chiếc xe hơi’ và lực nén không khí tương đương xe đua F1.

 Đối với một siêu xe, Chaos có kích thước khá lớn với chiều dài 5.053mm, rộng 2.068mm và cao 1.121mm , với chiều dài cơ sở 2.854mm. Phiên bản Earth có trọng lượng 1.388kg, trong khi Zero Gravity chỉ đạt 1.272kg, nhờ vào việc sử dụng nhiều các vật liệu siêu nhẹ, cùng quy trình thiết kế và sản xuất mà hãng gọi là “Anadiaplasi in 3D” được áp dụng cho nhiều linh kiện. Theo SP Automotive giải thích, ‘anadiaplasi’ là quy trình mà một linh kiện ‘tự định hình chính nó theo những lực tác động lên’.

 Khung xe nguyên khối được làm bằng Zylon, trong khi “78% thân xe là Anadiaplasi 3D được in từ hợp kim titan và magiê, và các bộ phận thân xe bằng sợi carbon hoặc carbon-Kevlar”. Hệ thống treo là loại tay đòn kép độc lập hoàn toàn được làm bằng titan hoặc magiê. Về hệ thống phanh, cả hai biến thể đều có đĩa thông gió bằng gốm carbon và lỗ tản nhiệt chéo có kích thước 482mm ở phía trước và 442mm ở phía sau, với heo phanh in 3D và moay-ơ từ Titanium hoặc Magnesium Matrix hỗn hợp.

 Bên trong, bảng điều khiển trông tối giản nhưng cũng khá tương lai với vô lăng kiểu cách tích hợp màn hình cảm ứng, một màn hình rộng khác ở phía trước hành khách, chỉ có một số nút điều khiển vật lý trên bảng điều khiển trung tâm và màn hình hiển thị trên kính head-up. Công ty đã sử dụng sợi carbon, zylon, titan, magiê và Alcantara cho khá nhiều thành phần nội thất. SP Automotive cũng nói về các công nghệ như thực tế tăng cường, kính VR, khả năng 5G, nhận dạng vân tay, lệnh thoại và camera nhận dạng khuôn mặt của người lái xe để điều chỉnh đặc điểm vận hành của xe theo tâm trạng và khả năng của họ.

 Công ty muốn sản xuất số lượng giới hạn 20 chiếc Chaos cho mỗi lục địa, với mỗi chiếc được phân phối độc quyền bởi nhà đấu giá Sotheby’s. Ông chủ của hãng là Spyros Panopoulos chia sẻ rằng chiếc đầu tiên đã được bán ra với lịch giao hàng vào đầu năm 2022. Giá khởi điểm của Chaos sẽ bắt đầu từ khoảng 5,5 triệu euro cho biến thể cơ sở 2.000 mã lực, và lên tới 12,4 triệu euro (14,4 triệu đô la) cho bản Zero Gravity 3.000 mã lực đầy đủ với tất cả các vật liệu cùng công nghệ khác thường.

 Nhưng ngoài những khẳng định của SP Automotive cùng bộ hình dựng 3D trên máy tính, chúng ta vẫn chưa có bằng chứng nào về một chiếc Chaos trong điều kiện thực tế. Để dập tắt những nghi ngờ, hãng cho biết sẽ ra mắt chiếc xe tại Athens, Hy Lạp trong những tháng tới. Ngoài ra chương trình TV về xe Top Gear cũng sẽ được mượn một chiếc để làm review. Cuối cùng vào năm sau hoặc 2023, SP Automotive Chaos sẽ cố gắng phá kỷ lục tốc độ tối đa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Quang Nam
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button