Game PC

Game thủ lâu năm – Ôm game mới và lăng nhăng với game cũ

Năm nay ngót 30 tuổi với hành trình chơi game cũng đã hơn 15 năm, tôi đã bắt đầu nhen nhóm cái “câu hỏi của tuổi già” đó trong vài năm trở lại đây. Trong quá trình tìm kiếm thông tin game tôi đã không ít lần bắt gặp những mẫu chuyện nhắc lại về những tựa game xưa cũ đầy kỷ niệm, những game ngày xưa không thể chơi trọn vẹn rồi bỏ quên. Kèm theo đó là những tựa game hoành tránh được kỳ vọng cao sắp ra mắt trong thời gian tới. 

Tôi như bị bủa vây bởi những Far Cry 5, Monster Hunter: World, Dynasty Warriors 9, Final Fantasy XV ở hiện tại và những Super Robot Wars, Yu-Gi-Oh! – Forbidden Memories, Chocobo Racing, Final Fantasy VII, Heroes III, Freedom Fighter của ngày xưa.

Với một game thủ lâu năm, game mới chính là nơi để tận hưởng những làn gió mới của công nghệ game hiện đại. Trải nghiệm những sản phẩm mới và so sánh nó với những sản phẩm đã qua bạn sẽ cảm nhận được sự xoay chuyển của làng game qua từng ngày, qua từng tựa game mới. Tất nhiên bạn cũng sẽ nổi giận khi một tựa game mới tái hiện quá tệ những thứ từng được làm rất tốt, đó là một sự tụt hậu của làng game.

Còn đối với game cũ, đó thực sự là một trải nghiệm dành riêng cho bản thân. Chắc chắn trong hành trình chơi game nhiều năm, bạn luôn có những tựa game phải bỏ dở, không hoàn tất hết hay chưa khám phá hết. Mặt khác, với tất cả những kỹ năng chơi game được chuẩn hóa theo thời gian, hẳn bạn sẽ muốn thử sức lại với những tựa game từng “vùi dập” mình ngày xưa chỉ vì thời đó trình mình còn “còi” quá. 

Đối với tôi, đó là một Final Fantasy Tactics Advanced đã “chinh phạt” đến gần trận cuối nhưng vì thi cử nên bỏ ngang và sau đó máy hỏng, mất save. Đó cũng chính là Yu-Gi-Oh! – Forbidden Memories chưa train thực sự từ đầu đến cuối mà hồi xưa ham quá nên hack bài, cheat dupe bài để thắng cho nhanh. Chắc chắn bạn cũng có những tiếc nuối như vậy và sẽ rất muốn được trả món nợ xưa với tựa game từng khiến mình cày đến ngày quên ngủ đêm quên ăn.

Thậm chí đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ những tựa game của ngày xưa “nghe danh mà chưa từng gặp mặt” rất muốn tìm để chơi như The Legend of Dragoon, Final Fantasy IX, Twisted Metal (thực ra tôi chỉ chơi Vigilante 8 và Rogue Trip). Đó cũng là sự tiếc nuối nhất định khi nó đã già cỗi mà mình thì chưa kịp chạm tay vào để rồi sau bao năm giật mình nhớ lại cảm thấy mình đã bỏ phí biết bao nhiêu. 

Khác với những game mới bạn có thể tìm thấy, mua và chơi dễ dàng, các game cũ sẽ phải vận dụng những cách khác. Nếu trước đây việc nuối tiếc những tựa game xưa chỉ là một vọng tưởng vì gần như không tìm được những chiếc máy console xưa cũ hay những source cài game bị đánh mất theo thời gian thì nay mọi chuyện đã dễ dàng hơn. Với những phong trào sưu tầm source game cũ và các giả lập ngày càng phát triển tinh vi mở ra cánh cửa cho những game thủ lâu năm như tôi được sống lại kỷ niệm và “trả mối thù xưa” với những game còn dang dở.

Nếu ngày xưa các bản giả lập Playstation 1, Gameboy Advanced, NES, SNES… cài đặt trên PC và có cái hoạt động trong tình trạng hư lên hỏng xuống thì ngày nay công nghệ đã vượt trội hơn nhiều. Các bản giả lập xưa không những được cải tiến mà còn được đưa lên các hệ di động. Bạn có thể biến chiếc điện thoại của mình thành một máy chơi game giả lập đa nhiệm và mang nó đi bất cứ đâu, chơi ở bất cứ chỗ nào.

Cái cảm giác bỗng chốc bạn sẽ có thể chơi bất cứ tựa game tuổi thơ nào với con PC và chiếc điện thoại của mình có thể khiến bạn bị “đơ”. Cuối cùng bạn sẽ quay trở lại với câu hỏi ban đầu: Với quỹ thời gian của một game thủ lâu năm, một người trưởng thành như thế này, nên đầu tư cho những game mới ra mắt hay những game cũ mà hay? 

Trước khi viết bài này, tôi đã đi tìm câu trả lời và nhận ra rằng các game mới đáng chú ý có thể sẽ có một khoảng cách nhất định ở thời điểm ra mắt, xen giữa đó sẽ là những thời gian trống mà bạn có thể quay về tuổi thơ với các game cũ và các trình giả lập. Hoặc cũng có thể bạn nhận ra mình quá “ngán” những đồ họa chi tiết bóng bẩy của thời hiện đại, bỗng dưng thèm một game có đồ họa mộc mạc cổ xưa như Final Fantasy IV, Final Fight…

Nhưng tình hình các giả lập hiện nay hoạt động ra sao? Có cắm tay bấm game vào điện thoại chơi được không? Cần những app gì để chạy? Cũng là một game thủ lâu năm và mang cùng nhu cầu, tôi đã bỏ một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu vấn đề này. Bài viết này chỉ là khởi đầu, tôi sẽ giới thiệu lần lượt những thứ mà tôi tìm được với bà con game thủ lâu năm đang có nhu cầu chơi lại những game từ thời Playstation 1 trong các bài viết về sau. Các bạn hãy chú ý theo dõi nhé!

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button