Game PC

10 thiết bị chơi game hiện đại nhưng “hại điện” của Nintendo – P1

Nintendo nổi tiếng với những thiết bị chơi game “không đụng hàng” đôi khi đi trước cả thời đại và luôn là như vậy. Thành công của Switch gần đây là một ví dụ chứng minh cho cái chất “lạ” của “đấng lão làng” ngành game đến từ Nhật Bản. 

Ngoài ra, Nintendo cũng được biết đến là công ty sản xuất máy chơi game kiếm bộn tiền và nền tảng Nintendo DS đứng thứ hai trong danh sách những hệ máy chơi game bán chạy nhất mọi thời đại (154,02 triệu máy).

Nhưng cũng có lắm lần “Lão Đại làng game” gặp phải thất bại ê chề vì những phát minh thiết bbị chơi game mới theo kiểu “đi đầu nhưng đi xuống đất” của mình. Dưới đây là danh sách 10 lần Nintendo “chụp ếch” với những phát minh của mình.

1 – R.O.B.

Khi mà Nintendo lần đầu tiên phát hành hệ máy NES tại Hoa Kỳ, ngành công nghiệp video game đang gặp phải một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Bắt đầu từ việc doanh thu của hệ máy Atari năm 1985 sụt giảm tới tận 97% sau khi đạt doanh thu đỉnh điểm năm 1983.

Các nhà bán lẻ không còn mặn mà gì đối việc bán máy chơi game nữa. Để nắm lấy cơ hội chiếm trọn thị trường từ khó khăn này, Nintendo quyết định tạo ra thêm thiết bị chơi game mang hình dạng một con robot để bán cùng với NES để “lừa” các cửa hàng bán hệ máy console của họ như là một món đồ chơi.

Và thế là hệ máy chơi game huyền thoại – NES được lên kệ với hai tựa game là Gyromite và Stack-up dùng R.O.B. như là controller. Cơ mà R.O.B. thật sự chả có mấy tác dụng đối với người mua lắm nên kết cục là bị khai tử không lâu sau đó, cái “khó đỡ” ở đây là chiếc máy NES bán kèm thì lại cực kỳ thành công.

2 – 64DD

Nintendo 64 với tựa game Super Mario 64 là một trải nghiệm tuyệt vời vào thời đó khi mà họ đã thực sự mang đến cho người hâm mộ tựa game yêu thích – Mario trong môi trường ba chiều thật sự. Năm 1996 với game 3D hàng xịn đáng ra phải là một năm mà danh tiếng của Nintendo phải lất át hết tất cả các đối thủ. Cơ mà vẫn có một ít “sạn” đối với hệ máy chơi game thứ năm của họ.

Thiết bị chơi game cắm thêm 64DD chính là cái tên của “cục nợ” này. Khi mà hầu hết các nhà sản xuất máy chơi game khác đã bắt đầu dùng đĩa CD-ROM dung lượng lớn thay cho băng game thì “Lão Làng” N64 lại được thiết kế tiếp tục dùng băng 64mb. Một giải pháp tình thế được đưa ra để lấp đầy chỗ trống của sự thiếu hụt công nghệ mới về đọc đĩa cũng như chơi nối mạng online cần phải được thực hiện.

Và thế là 64DD được tạo ra như một thiết bị chơi game gắn thêm để đọc mớ đĩa game sản xuất cho N64 và đồng thời là cổng kết nối chơi online. Tuy nhiên thay vì dùng đĩa CD-ROM như “con nhà người ta”, Nintendo lại dùng đĩa từ 64MB. Dung lượng giới hạn và sự cồng kềnh của đầu đọc trở nên quá “tạ” để dịch vụ online multiplayer Randnet của chính nó cứu vãn tình hình. Năm 2000, 64DD cùng dịch vụ Randnet bị khai tử với chỉ 10 game từng được làm cho nó và 15000 người chơi đăng ký.

3 – Nintendo 2DS

Không thể chối cãi rằng dòng máy chơi game DS (Nintendo DS, 2DS, 3DS, 3DSXL) là một trong những dòng sản phẩm được ưa chuộng nhất của Nintendo trong thập kỷ qua. Một chiếc máy chơi game cầm tay với hai màn hình cùng thư viện game đa dạng và sáng tạo. Nhưng Nintendo lại bắt đầu lạm dụng sự thành công của dòng console này một cách hơi quá đà.

Cụ thể, họ phát hành máy chơi game 3DS mạnh mẽ về khả năng xử lý so với những thiết bị chơi game cầm tay khác và rất nhiều những tựa game 3D cực kỳ hấp dẫn vào thời đó. Rồi tới 3DS XL như một phiên bản nâng cấp với màn hình rộng hơn. Ok thôi, “càng to càng thích”.

Nhưng tới lượt 2DS thì nó lại giống như đứa con mà nhìn chả giống ai trong gia đình hay bị trêu là “nhặt từ thùng rác về nuôi” vậy. Không 3D và không bản lề đóng gập giữa hai màn hình, nó là một thiết bị chơi game dạng thỏi “cứng” đúng kiểu. Việc loại bỏ bản lề khiến cho việc bảo vệ màn hình của 2DS khỏi hư hỏng do va đập khá là bất tiện. Đáp lại những chỉ trích từ fan, Nintendo nói rằng việc làm trên là để thu hút người chơi trẻ. Cơ mà nó giống như là để troll nhau thì đúng hơn.

4 – N64 Transfer Pack

Từng có một khoản thời gian mà Nintendo cực kì hứng thú với việc tạo ra các dòng máy chơi game cầm tay có thể giao tiếp qua lại với nhau. Thành quả là ta có hệ máy Switch như ngày nay. Nhưng trước đây, họ lại tạo ra một thiết bị chơi game trông khá ngớ ngẩn – N64 Transfer Pack.

Nó là một thiết bị gắn vào tay cầm của Nintendo 64 dùng để kết nối băng game (cũng là cục save) của Gameboy Color. Phụ kiện này cho phép người chơi chuyển đổi dữ liệu từ save của Gameboy, Gameboy Color sang N64. Ngoài ra, nó chẳng có tác dụng gì khác, chẳng thể chơi game của gameboy trên TV hay bất cứ thứ gì tương tự cả.

N64 Transfer Pack được bán kèm với Pokemon Stadium và tác dụng duy nhất của nó cũng như tính năng nổi bật nhất của tựa game này được đề cập đến chỉ là đưa dữ liệu team Pokemon của game thủ từ Gameboy sang N64 mà thôi. Kết quả rõ ràng không sáng sủa cho món phụ kiện chẳng có mấy công dụng này, chỉ là vài tựa game muốn “kiếm fame” cũng tích hợp tính năng tương tự để phục vụ những trò khá độc đáo nhưng chẳng mấy hấp dẫn.

5 – GameBoy Advance e-Reader

Hệ máy chơi game cầm tay đình đám – Gameboy đã từng là con gà đẻ trứng vàng cho Nintendo trong hơn một thập kỉ. Vì thế, Nintendo luôn tìm cách để kiếm nhiều và nhiều hơn nữa lợi nhuận từ dòng máy này.

Vào những năm đầu của thập kỉ trước, người người nhà nhà trong làng game thủ đua nhau sưu tầm những tấm thẻ bài đồ chơi (các lá bài tương tự Yugioh) được bán riêng lẻ từng tấm một. Thế là Nintendo quyết định tao ra một thiết bị chơi game dạng phụ kiện có thể nói là phiền toái nhất trong lịch sử ngành công nghiệp sản xuất thiết bị chơi game – GameBoy Advance e-Reader.

Thứ “của nợ” này có một đầu tương thích với khe cắm của Gameboy, đầu còn lại dùng để quét mấy tấm thẻ mà cách duy nhất để sở hữu nó là từ mấy cái “hộp bí ẩn” ngoài tiệm. Scan hai mặt của tấm thẻ, scan từng mặt một nhé và bạn sẽ có mấy món vật phẩm như là power-ups hay exp rồi cả tá thứ linh tinh tương tự.

Khỏi phải nói là họ kiếm được nhiều tới mức nào vì bạn chả biết mình mua được thẻ gì mỗi lần mở hộp. Game thủ tốn cả tá tiền để có được đủ bộ sưu tập của mấy cái thẻ đó và nó cũng là hình thức chơi lootbox đầu tiên. Vài năm sau thì họ bỏ mặc nó chả hỗ trợ gì nữa, phí cả tiền!

(Còn tiếp)

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button