Game PC

Ubisoft “hốt đậm” với bán vật phẩm trong game và sẽ tiếp tục đẩy mạnh

Trong báo cáo doanh thu gần đây nhất của mình, Ubisoft cho biết rằng Microtransaction (việc bán các gói chứa vật phẩm giá trị nhỏ trong game, bao gồm cả lootbox) đang đem về cho họ nguồn lợi nhuận khổng lồ và là nguồn thu chính trong năm vừa qua.

Lootbox ngày càng trở thành “món hàng dễ bán” của các nhà làm game

Cụ thể, doanh thu đạt 318.5 triệu euro nhờ vào việc bán nội dung kĩ thuật số như DLC (gói mở rộng nội dung cho game), vật phẩm trong game và các gói ưu đãi đặc biệt trong chín tháng gần đây. Con số này cao hơn 87.4% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận đạt 26.7% nhờ vào việc bán các gói mở rộng và vật phẩm trong trò chơi, tăng 20.9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Microtransaction mang về cho Ubisoft nhiều lợi nhuận hơn vì họ không cần phải bỏ ra chi phí cho việc quảng cáo. Ví dụ, một con ngựa với bờm, đuôi và vó “bốc lửa” trong Assassin’s Creed Origins có giá 15 euro (khoảng 400.000 VND). Họ hoàn toàn không cần tính toán cân bằng sức mạnh cho những vật phẩm chỉ có giá trị làm đẹp và chẳng ảnh hưởng mấy đến cốt truyện.

Những skin làm đẹp không ảnh hưởng cân bằng game mà lại được game thủ ưa chuộng

Những ai không muốn chi thêm có thể mua chúng bằng tiền in-game kiếm được trong quá trình chơi nhưng họ sẽ phải bỏ ra thêm thời gian “cày bừa” để mua được chúng. Kha khá người sẽ chẳng mấy kiên nhẫn và cứ thế chi thêm. Vẹn cả đôi đường!

Ubisoft gọi chiến dịch “mồi chài” người chơi chi thêm tiền cho Microtransaction của mình là PRI – Player Recurring Investment (Khoản đầu tư định kỳ của người chơi – hay “hút máu” định kỳ). Trong tương lai, những sản phẩm được Ubisoft phát hành chắc chắn sẽ có nhiều hơn nữa những vật phẩm làm đẹp như con “Xích Thố” kể trên nằm trong cửa hàng in-game hay ngay trong mục “DLC” của trò chơi.

Chỉ số PRI đang chiếm một phần lớn trong doanh thu của các hãng game và đang tiếp tục mở rộng

Tham vọng của họ rõ ràng là bắt kịp EA hay Activision Blizzard trong việc “vắt sữa” thị trường game để bù đắp vào khoản thất thoát do vấn nạn game lậu. Đây cũng là thứ khiến nhiều nhà phát hành đau đầu tìm cách chống trả bằng Denuvo trong vài năm trở lại đây và dạo này chính Denuvo cũng bị crack ngày càng nhanh.

Ubisoft còn nói thêm rằng họ sẽ không tung ra tất cả các gói DLC hay vật phẩm in-game trong cùng một lúc. Việc ra mắt các gói nội dung mới định kỳ giúp họ hấp dẫn người chơi mới và giữ chân người chơi cũ tiếp tục gắn bó với trò chơi trong một khoảng thời gian dài.

Điển hình như Tom Clancy’s Rainbow Six Siege, dù ra mắt đã hai năm nhưng lượng người chơi thường xuyên vẫn duy trì ổn định nhờ vào việc ra mắt các lớp nhân vật mới (operators) một cách lâu dài. Đồng thời, việc duy trì một lượng người chơi thường xuyên ổn định sẽ giúp họ dễ dàng bán các gói nội dung và vật phẩm hơn, game thủ sẽ không phải lo sợ việc chi tiền cho những thứ mà mình không thể chơi lâu dài được.

Rainbow Six Siege duy trì việc ra mắt nhân vật mới để giữ chân người chơi

Tuy vậy, Ubisoft vẫn chưa thực sự đưa khái niệm “lootbox” vào các tựa game mà họ phát hành. Cộng đồng thì lo ngại rằng rồi Ubisoft sẽ trở thành “UbiSuck” thật sự – lần này không phải vì việc cắt xén đồ họa game (suck: dở tệ, vớ vẫn) mà là việc họ sẽ hút hơn cả máy bơm (suck: hút vào). Trả lời cộng đồng game thủ, Alain Martinez – CEO của Ubisoft nói rằng: “Việc có bán và mua lootbox hay không là tùy vào lựa chọn của người chơi, chúng tôi không hề ép buộc ai cả. Và tất nhiên là Ubisoft sẽ luôn mang đến cho game thủ những thứ “đáng giá đồng tiền bát gạo” mà họ chi ra”.

Ubisoft không phải là công ty duy nhất đang phất lên nhờ Microtransaction. Activision Blizzard đã công bố vào tuần trước rằng họ đã thu về 4 tỷ USD nhờ vào việc bán DLC và vật phẩm in-game trong năm 2017, Rockstar sống khỏe nhờ bán “thẻ ngân hàng” trong GTA Online. Trong khi đó, EA thu được 787 triệu USD nhờ “lootbox” trong năm vừa qua.

Có thể thấy xu thế “game as service” đang trở thành giải pháp bám víu của hầu hết nhà sản xuất game lớn. Khi đó, họ tạo ra game như một cái shop để bán microtransaction thay vì bán chính cái game đó. Lợi nhuận cao hơn và do thay đổi liên tục nên một phần cũng mang công dụng chống game lậu, vì game lậu thì khó mà có update liên tục như game bản quyền. Tiền cũng về nhiệu hơn, đó mới là cái quan trọng.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button