Game PC

Xếp hạng “thượng vàng hạ cám” các tựa game trong series Assassin’s Creed –(P.1)

Assassin’s Creed không hẳn quá xa lạ trong mắt các game thủ, đây còn được xem như là biểu tượng chính của ông lớn Ubisoft. Có những năm Assassin’s Creed đem lại những siêu phẩm hấp dẫn cho người chơi, nhưng cũng có thời điểm là “một gáo nước lạnh” tạt vào mặt cộng đồng game thủ. Từ đó Mọt Game quyết định sẽ chửi sml Ubisoft đưa ra bản xếp hạng nho nhỏ từ phần game tệ nhất cho đến hay nhất của series Assassin’s Creed để bà con tham khảo.

Assassin’s Creed Identity

Một phiên bản bỏ túi nhỏ mà Ubisoft ra mắt trên di động dành cho game thủ của mình, nó có hình thức như một tựa game ăn theo với xu hướng thương mại nhằm mở rộng thị trường. Tuy nhiên đây lại là một bước đi thất bại của Ubisoft với định hướng tầm cỡ nhưng cách thức thực thi lại tạm bợ. Assassin’s Creed Identity vẫn lấy bối cảnh chính vào thời kỳ Phục Hưng ở Ý. Yếu tố chính dẫn đến tình trạng thất bại của sản phẩm này chính là Ubisoft quá tham lam và nhồi nhét quá nhiều thứ vào một nền phần cứng khiêm tốn của chiếc smartphone thời điểm đó. Điều này dẫn đến việc gia giảm từng chi tiết từng trải nghiệm để game có thể chạy nổi với hệ máy này, từ đó tạo tiền đề xuất hiện vô số hạt sạn “to đùng” trong Assassin’s Creed Identity. 

Có một câu nói vui đùa mà sau khi trải nghiệm xong Assassin’s Creed Identity ta sẽ nhận ra, chính là “Bạn sẽ chơi game theo cách Identity mong muốn, hoặc là bạn sẽ không chơi được cái quái gì !”. Đúng là vậy, mọi thứ trong Assassin’s Creed Identity gò bó game thủ hoàn toàn, tất cả được dựng sẵn và mất đi yếu tố thế giới mở độc đáo tạo nên thương hiệu của Assassin’s Creed. Kế đến là cơ chế chiến đấu thô cứng một cách khó chịu, hệ thống điều khiển khó khăn cùng với các góc quay camera kém trực quan. Trên hết chính là việc tụt khung hình như không phanh nhiều trường đoạn, mọi thứ kết hợp đã tạo nên một sức nặng cho chính nó và kéo Assassin’s Creed Identity xuống hố sâu. Yếu tố duy nhất cứu vớt tựa game này chính là việc tiện dụng khi trải nghiệm mọi lúc mọi nơi. 

Assassin’s Creed: Altair’s Chronicles

Phiên bản đầu tiên được cho ra mắt trên hệ máy cầm tay “hiền lành” Nintendo DS, chỉ cần nhắc đến ta có thể tưởng tượng được phần nào khó khăn mà Assassin’s Creed: Altair’s Chronicles mang theo trên lưng. Thời điểm đó Nintendo DS là một hệ máy rất dè chừng với các tựa game 3D, phần lớn ảnh hưởng từ phần cứng khiêm tốn của mình và dĩ nhiên tính chất của các tựa game đi theo hệ máy này đa số là các game platform nhỏ mang tính hấp dẫn về mặt gameplay độc lạ. Từ đấy Altair’s Chronicles cũng phần nào đó phải chuyển mình sang thể thức platform để đáp ứng nhu cầu của gà nhà. Dĩ nhiên đây chỉ là một trong nhiều lí do dẫn đến thất bại của phiên bản Assassin’s Creed: Altair’s Chronicles.  

Chúng ta lại xoay quanh cơ chiến đấu nghèo nàn không có quá nhiều điểm mới lạ và tất cả được lập đi lại liên tục một hệ thống. Thêm vào đó chính là việc Altair’s Chronicles chưa khai thác được hết đặc thù của dòng game Assassin’s Creed và khiến sản phẩm trên trở thành một tựa game mang một hơi hướng nào đấy của Prince of Persia. Nếu đây là một tựa game không được gắn mác Assassin’s Creed thì dĩ nhiên nó cũng khá đáng giá cho bạn chịu khó bỏ ra một vài đô la để trải nghiệm, nhưng một khi đã mang tên gọi của dòng game sát thủ Assassin’s Creed thì đây chắc chắn là sản phẩm không đúng như người chơi mong đợi. 

Assassin’s Creed II: Discovery

Nối tiếp thất bại của Assassin’s Creed: Altair’s Chronicles, Ubisoft dường như vẫn chưa rút ra được bài học của mình từ vết xe đổ trên và tiếp tục đâm đầu vào sản xuất dòng game Assassin’s Creed trên Nintendo DS. Phần này có tên gọi là Assassin’s Creed II: Discovery cũng lấy mốc sự kiện chung với Assassin’s Creed II và được diễn ra tại Tây Ban Nha đầy hoa lệ. 

Người chơi sau khi trải nghiêm xong phiên bản này thường ví von anh chàng Ezio Auditore di chuyển hệt như tốc độ của Sonic the Hedgehog. Việc mang trong mình tốc độ chạy hơn mức bình thường rất nhiều kết hợp với yếu tố Stealth dường như không mấy ăn khớp cho lắm, mọi thứ có vẻ chọi nhau và mang đến cái kết khá tồi về cơ chế gameplay. Mặc dù Assassin’s Creed II: Discovery đã được cải tiến về cơ chế chiến đấu cũng như phong cách đồ họa, nhưng dường như mọi thứ chỉ góp phần làm “quả tạ” thêm nặng nề đè lên đôi vai gầy của Nintendo DS. Phần cứng yếu sinh lý của hệ máy này tiếp tục là lí do chính dẫn đến thất bại của Assassin’s Creed II: Discovery và dĩ nhiên ta cũng không quên công sức cứng đầu của ông lớn Ubisoft khi vẫn mong muốn tựa game ăn khách trên cả hệ máy Nintendo DS. 

Assassin’s Creed Bloodlines

Vẫn là một quyết định liều lĩnh của Ubisoft khi vẫn ngoan cố mong muốn đưa dòng game Assassin’s Creed lên các hệ máy cầm tay, nhưng lần này đội ngũ phát triển game xứng đáng nhận được một tràn pháo tay vì sự cố gắng cuối cùng cũng cho lại kết quá xứng đáng. Phiên bản Assassin’s Creed Bloodlines được cho ra mắt trên hệ máy PSP kì này ta có thể cảm thấy được sự thành công trong nước cờ mà những lần trước bị hỏng. PSP lúc bấy giờ là hệ máy cầm tay mạnh mẽ nhất và chiếm được sự ưu ái to lớn từ cộng đồng game thủ. Trực quan mà nói Assassin’s Creed Bloodlines là tựa game hay nhất trên phiên bản cầm tay đã từng được ra mắt trước đó. 

Assassin’s Creed Bloodlines sẽ không chạy đua theo mạch cốt truyện chính đến từ các phiên bản chủ lực trên các hệ consle mạnh mẽ mà thay vào đó game sẽ đưa game thủ trở về lại mốc thời gian tại phiên bản đầu tiên và cố gắng đưa tựa game hoạt động được tối ưu, đồng thời giữ lại được những nét đặc trưng của dòng game Assassin’s Creed nói chung. Đồ họa của game dĩ nhiên đã được đưa lên tầm cao mới, thêm vào đó chính là tùy biến tốt trong cơ chế điều khiển và môi trường xung quanh được tối ưu tốt. Tuy nhiên cơ chế gameplay trên các hệ máy cầm tay vẫn luôn luôn là điểm trừ của các dòng game Assassin’s Creed. Khi trải nghiệm một thời gian người chơi sẽ cảm thấy sự lập lại, đơn điệu dẫn đến nhàm chán cho nên việc làm vui vẻ hơn chính là chạy lòng vòng xung quanh phá các nhóm quân của địch rồi tẩu thoát hay leo trèo xung quanh khám phá thế giới,… Assassin’s Creed Bloodlines có thể coi là một sự trở lại đáng được đề cao trước những nỗ lực mang dòng game stealth hấp dẫn này lên hệ máy cầm tay. 

Bảng xếp hạng ở phần này đa số đều rơi vào các tựa game Assassin’s Creed phiên bản cầm tay dành cho các hệ máy portable nhỏ, chính vì cố đấm ăn xôi nên Ubisoft đã không tránh khỏi việc cho ra mắt sản phẩm kém chất lượng vì gia giảm nhiều chi tiết đặc thù tạo nên tên tuổi của dòng game Assassin’s Creed. Phần sau Mọt Game sẽ tiếp tục đưa đến bạn đọc phần kế tiếp của bảng xếp hạng và lần này đa số cũng chỉ xoay quanh các tên tuổi trên hệ cầm tay nhưng ở một tầm chất lượng cao hơn.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button