Game PC

Trà đá game thủ: Ngành công nghiệp game khiến cách chơi thay đổi như thế nào?

Ngành công nghiệp game đang ở thời kì đỉnh cao nhất, bằng chứng thể hiện ở môi trường cạnh tranh khốc liệt. Nhưng nếu đem ra so với “ngày xưa ấy” chắc chắn không thể vượt trội về nhiều khía cạnh.

Ngày xưa ở đây chính là những thời kì đầu (khoảng 30 năm về trước) đang trên đà phát triển của các máy chơi game console và arcade (máy xèng), những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngành công nghiệp game ngày nay. Vì thế sẽ là khá khập khiễng nếu đem đồ họa ra so sánh. Cái chúng ta nhắm vào đó là những giá trị về hoài niệm, sự tinh giản, sáng tạo và tình yêu chân thành từ cả hai phía. 

Tại sao lại có tình yêu ở đây? Nghe thì có vẻ sến súa nhưng thật sự ở thời kì đầu, người chơi mê mẩn game, còn nhà phát hành thì ra sức chiều chuộng ngươi chơi hết mức có thể. Để nói rõ hơn, hãy cùng TCN đi qua những phần dưới đây.

Khoảng cách từ việc sở hữu game và chơi được game chỉ tính bằng phút

Hãy nhìn về ngành công nghiệp game vài thập kỉ trước, với một chiếc máy console Sega hay Nintendo, việc chơi game diễn ra rất gọn lẹ. Gặp mẹ và bảo: “Kì này con được học sinh giỏi, cô khen quá trời, mẹ cho con tiền mua băng game nhé”. Mẹ đáp: “Này cầm lấy, chơi hết Tết rồi lo mà học, không tao đập máy”.

Rồi thế là ra hàng mua băng game, về bỏ vô máy, chờ màn hình nhấp nháy, tất cả quá trình chưa đến 1 phút từ lúc có game tới lúc chơi game. Hay là kéo theo 2-3 thằng bạn ra hàng game, rồi: “Cô ơi, cho con băng đánh nhau”. Cô nhẹ nhàng bỏ vào và cứ thế quẩy thôi. Thật ra đánh nhau ngày đó là Street Fighter mà có biết tiếng Anh chi mô, cứ kêu đánh nhau cho lẹ. 

Quay lại hiện tại, những game hiện đại tốn khá nhiều thời gian để khởi động, chưa kể chờ update. Bạn phải có Internet, kết nối mạnh, không thì với những bản update lớn trên 6 GB, có khi phải chờ hàng giờ mới được vào game. Khá là đứt mạch cảm xúc phải không? Nhà phát hành có nhiều lí do để giải thích cho việc này, nó rất hợp lí nhưng nếu đem so với ngày xưa thì đúng là thua rất xa.

Có một số game thủ nước ngoài còn đùa rằng, vào dịp Giáng Sinh, anh ta mang đĩa Halo qua nhà bạn chơi, bỏ vào con Xbox, rồi để game cài, ra chơi Cờ Tỉ Phú, xong là vừa.

Bị lỗi game ư? Bấm nút hay rút băng ra là xong, đùa với anh à!

Đúng là như vậy, điểm đặc biệt của những máy chơi game ngày xưa là cực kì đơn giản, không cần phải chuyên gia hay phải học hỏi gì để có thể sửa lỗi khi game bị crash. Đang chơi bỗng nhiên đứng hình, âm thanh rè rè kéo dài thiên thu? Chỉ một bước lại gần, bấm nút reset, khó quá thì nhả băng (đĩa) ra, dù là mất đi quá trình chơi trước đó nhưng còn hơn là đứng nhìn. 

So với các máy đời mới bây giờ thì độ phức tạp khi gặp lỗi tăng gấp bội. Game dưới dạng kĩ thuật số, nên có hư phải xem nguyên nhân thế nào phải “khám bệnh” cho nó. Khó quá thì tắt nguồn, rồi ngồi đợi máy khởi động, đợi game chạy, có khi ngu ngu phải cài lại. Cả một quá trình dài đằng đẵng, lại làm bạn cụt hứng. Mặc dù những quá trình đó xuất hiện là do công nghệ hiện đại được tạo ra đáp ứng độ mượt mà, cung cấp đủ lượng dữ liệu để vận hành các game đời mới nhưng cũng “hại điện” về mặt tinh thần một chút.

Chiều chuộng tới mức phát hành cả bản cheat

Đã có một thời kỳ ngành công nghiệp game đáp ứng tất cả các nhu cầu game thủ đưa ra, kể cả bản cheat cũng được các nhà sản xuất làm ra và hỗ trợ để khiến cuộc chơi thêm thú vị. Nổi trội nhất là thời kì thống trị của các máy NES, với những cheat code nổi tiếng được nhắc đến cho đến tận bây giờ như: cheat code lằng ngoằng của Konami, thậm chí Nintendo và Sega còn có “chị tổng đài” chuyên hỗ trợ cheat cho game thủ tại thị trường Mỹ. 

Thế vẫn chưa là đủ, vũ khí lợi hại nhất thời bấy giờ là Game Genie hoặc Game Shark, một công cụ hỗ trợ cheat đích thực. Thao tác đơn giản, chỉ cần gắn Genie vào băng game, rồi gắn game vô khay như bình thường. Thế là “bùm”, tung hoành giang sơn ngang dọc, chẳng ngán đứa nào, yêu quái tứ phương đâu bơi vào đây hết. Vì cheat mà, có hết mạng đâu, súng ống đạn dược cũng không bao giờ hết. Chỉ tới khi phát hành game dạng đĩa quang tức là xài đĩa thì thời kì của Genie chấm dứt.

Quá rõ ràng khi so sánh với ngày nay, khi tất cả đều tham gia vào một môi trường game lành mạnh thì không có hack hay cheat gì cả. Điều này lại là điểm tốt nếu so sánh với quá khứ, vì đa phần cuộc chơi không chỉ còn một mình, offline nữa. Thay vào đó là một thế giới mở, nơi có nhiều game thủ khác cùng tham gia chiến đấu, tất cả đều online. Để đảm bảo sự công bằng, chống hack là việc tất yếu.

Câu chuyện không dây và có dây

Vấn đề về Internet chưa phát triển ở trên cũng kéo theo việc hỗ trợ chơi game nhiều người. Vì thế các máy đời cũ hỗ trợ các thiết bị có dây tới mức tối đa. Một máy 5 tay cầm, 5 người chơi là chuyện bình thường. Điều này khiến cuộc chơi trở nên khá căng thẳng và thú vị, mặt đối mặt, tay đối tay, đồng thời là không hề có vụ hết pin tay cầm khi đang đánh boss, cứ thế đánh nhau cả ngày dài. 

So với các thiết bị hiện đại: Xbox One chỉ có một ổ cắm USB đằng trước và một đằng sau; Play Station 4 có 2 ổ cắm nhưng tùy vào thiết bị bạn cắm vào, có khi ổ còn lại chả còn tác dụng. Nintendo Switch là cỗ máy chiến game còn sót lại khá nhiều khe cắm nhưng cẩn thận coi chừng lôi cả máy xuống bàn là khô máu đấy.

Cũng dễ hiểu, vì đã có Internet, sự trỗi lên mạnh mẽ của các thiết bị không dây, Bluetooth thì việc gì phải dây dợ chi cho vướng víu. Tuy nhiên điều đó sẽ làm cuộc chơi không được liền mạch, không hấp dẫn như ngày xưa. Chơi online nó thua mặt nó tức giận “đẹp trai” ra sao mình có biết đâu, nhìn bản mặt ức chế đó mới gọi là cảm giác chiến thắng thật sự. Hay xưa chơi game khi nào mẹ gọi về thì về, gọi ăn cơm thì mới nghỉ, giờ đang chơi tay cầm hết pin, thôi nghỉ luôn cho rồi. 

Tổng kết lại xã hội phát triển, game cũng phải đi lên theo xu hướng, một số người mang khuynh hướng hoài niệm sẽ nhớ về những kỷ niệm của game ngày xưa cũ. Còn số đông sẽ vẫn tiếp tục đồng hành cùng ngành công nghiệp game hiện đại.

Motgame chia sẻ bài so sánh trên để giúp các bạn có một chút suy nghĩ về nguồn gốc đam mê của bản thân, đồng thời cũng cho các bạn thấy được rằng bởi nhiều rào cản và sự cạnh tranh của ngành công nghiệp game, mối gắn kết giữa nhà phát hành và game thủ không còn như trước kia. Hãy thông cảm cho họ, vì đã từng có một thời kì họ xem chúng ta – những game thủ là người yêu đích thực.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button