Game PC

Tất tần tật những thông tin bạn cần biết về Artifact

Sau khi một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một người được cho là đang chơi thử Artifact được tung lên mạng, nó lập tức đã thu hút sự chú ý của toàn bộ làng game. Những hình ảnh ban đầu cho thấy Artifact không phải là một tựa card game của Dota 2, mà là lấy chủ đề của Dota 2 mà thôi. Hãy cùng TCN điểm qua toàn bộ những thông tin đã được hé lộ về tựa game này nhé.

Chúng tôi sẽ cố hết sức giải thích cho các bạn hiểu về cơ chế của trò chơi. Tất nhiên cách tốt nhất chính là bắt tay vào chơi thử, nhưng hiện nay tất cả chúng ta đều không có được cơ hội này.

Sẽ có 3 lane như Dota 2

Board của game sẽ được chia thành 3 phần riêng biệt, tương ứng với 3 lane. Điều này là sự cải biến đặc biệt của Artifact so với những tựa game card khác hiện nay như Hearthstone hay Yugi-Oh. Mỗi lane sẽ có 1 tower (trụ) với lượng máu là 40HP. Nếu tower này bị đập vỡ, nó sẽ được thay thế bằng một Ancient với 80HP. Một người sẽ được xem là chiến thắng nếu phá hủy được 2 Tower hoặc 1 Ancient của đối phương.

Mỗi người chơi sẽ điều khiển 5 hero khác nhau. Trò chơi sẽ được chia thành các round, mỗi round bạn chỉ có thể điều khiển được 2 hero. Các hero này sẽ được chia ra 3 lane tương ứng cùng với những đơn vị creep như Dota 2 vậy. Mỗi lượt đi (turn) sẽ có thêm 2 creep được sinh ra ở mỗi lane. Bên cạnh đó, mỗi lane cũng có lượng mana khởi đầu là 3MP, và mỗi lượt sẽ được tăng thêm 1MP. Hãy chú ý đến lượng mana của mỗi lane để làm sao sử dụng cho hợp lý nhé.

Mỗi khi một hero nào đó bị hạ gục, bạn sẽ mất 1 lượt tiếp theo để đợi hero này hồi sinh lại. Sau đó, hero này có thể được đặt ở một lane nào đó tùy vào ý định chiến thuật của người chơi.

Các thẻ bài

Như chúng tôi đã đề cập ở một bài viết trước, Artifact hiện có đến hơn 280 thẻ bài với 44 hero, và tất nhiên sẽ còn tăng thêm nữa. Mỗi bộ bài (deck) sẽ có ít nhất 40 lá và 5 hero. Tương tự như Yugi-Oh, mỗi lá có thể được lặp lại 3 lần trong một bộ bài.

Các lá bài sẽ được chia làm 4 màu chủ đạo gồm đỏ, xanh lục, xanh dương và đen, tương ứng với các thuộc tính khác nhau của những hero khác nhau. Màu đỏ đại diện cho những hero trâu bò, nhưng bộ kỹ năng lại tương đối yếu. Màu xanh dương gồm những hero yếu máu, nhưng bù lại sẽ có bộ skill khá mạnh mẽ. Màu xanh lục sẽ mang lại cho bạn nhiều phép thuật khác nhau và có khả năng sinh ra thêm creep; trong khi đó, màu đen lại đại diện cho những buff, như tăng lượng gold thu thập được chẳng hạn. Những lá thuộc màu nào thì chỉ có thể xuất hiện tại lane đã có mặt hero thuộc màu đó.

Bộ skill của hero cũng sẽ có những hiệu ứng khác nhau tương tự như Dota 2. Đơn cử như Sniper có thể gây ra đến 5 dmg đối với bất kỳ đơn vị đối phương nào, kể cả tower. Trong khi đó, Drow Ranger với aura passive của mình có thể tăng 1 dmg cho mọi đơn vị trên cả 3 lane, hay Crystal Maiden có thể hồi lại 2 mana cho mỗi lần dùng phép của bạn.

Gameplay

Đối với nhiều game thủ ưa thích thể loại game thẻ bài, cấu trúc 3 lane của Artifact sẽ gây rào cản lớn cho việc nắm bắt trò chơi. Đồng thời, luật chơi của Artifact cũng tương đối phức tạp và yêu cầu tư duy chiến thuật khá cao của người chơi.

Ở mỗi lane của Artifact sẽ xảy ra những trận chiến riêng biệt như những game thẻ bài khác. Khi bạn ra một thẻ bài, đối thủ cũng sẽ đáp trả bằng một lá của họ. Sau bước “hỏi thăm” này, trận chiến sẽ chính thức bắt đầu. Các hero và creep của hai bên sẽ tấn công những gì xuất hiện trước mặt chúng, cho đến khi không có ai, chúng sẽ tấn công lên tower hoặc ancient.

Các trận chiến sẽ diễn ra ở từng lane một, mỗi round sẽ kết thúc khi cả 3 lane đều đã diễn ra combat. Sau khi kết thúc mỗi round, bạn sẽ nhận được lượng gold nhất định cho những creep, hero hoặc tower đã hạ gục được. Lượng gold này có thể được dùng để mua các item cho hero trong thời gian chờ đến round tiếp theo. Giống như Dota 2, các hero sẽ chỉ có các slot nhất định để chứa các item. Có 3 dạng item chính là tăng sát thương (weapon), tăng giáp (amor) hoặc phụ kiện (accessory). Các item cũng rất đa dạng, từ những item dạng buff đơn giản như Cloak, hay những item đắt đỏ như Apotheosis Dagger…

Theo ước tính của Valve, mỗi trận đấu của Artifact sẽ kéo dài trung bình từ 12 đến 15 phút, tức là chỉ bằng 1/3 thời lượng một game đấu của Dota 2. Điều này khiến việc tư duy chiến thuật được đề cao hơn rất nhiều khi mà người chơi phải quan sát và điều khiển cả 3 lane của mình. Đây chính là điểm làm nên sự phức tạp của Artifact.

Không còn là Free-to-play nữa

Đây có lẽ là thông tin được quan tâm nhất thời điểm hiện tại. Để trải nghiệm Artifact, bạn sẽ phải bỏ tiền túi ra để mua tượng tự như CS:GO vậy. Bên cạnh đó, GabeN cũng tiết lộ rằng Artifact không phải là một game pay-to-win. Những người chơi sẽ phải hoàn toàn dựa vào khả năng chiến thuật của mình để chiến thắng.

Nếu thời gian là miễn phí, việc lập một vài tài khoản là miễn phí, hay những lá bài đều là miễn phí, thì bất cứ thứ gì liên quan đến nó đều bị mất dần giá trị theo thời gian, dù đó có là sự nỗ lực cày cuốc của người chơi suốt cả ngàn tiếng đồng hồ. Vậy nên, bạn sẽ không muốn tạo ra một trò chơi free-to-play để hạ thấp giá trị về thời gian và nỗ lực của người chơi.

– GabeN giải thích vì sao Artifact không được miễn phí.

Artifact là một Trading Card Game, chứ không phải Collectible Card Game như Hearthstone. Điều đó có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể trao đổi, mua bán những lá bài trên Steam Market với những người chơi khác. Bạn cũng không cần bỏ ra cả tấn tiền để mua boost pack với hi vọng may mắn mỉm cười và xuất hiện một lá bài như mong đợi. Đơn giản là hãy lên Steam Market mà giao dịch mà thôi.

Một số thông tin bên lề Artifact

Artifact dự kiến sẽ được ra mắt vào cuối năm nay đối với PC, trong khi đó phiên bản chạy trên iOS và Android sẽ được xuất xưởng vào giữa năm 2019. Đây sẽ là tựa game đầu tiên sử dụng engine Source 2 và chạy trên các thiết bị di động, bao gồm cả smartphone và iPad. Bên cạnh đó, giải đấu triệu đô đầu tiên của tựa game card này sẽ chính thức diễn ra vào quý I năm 2019.

Artifact hiện đang trong giai đoạn closed beta, tức là chỉ 40 người gồm các player TCG cứng cựa và đội ngũ kiểm định của Valve được “ăn cơm trước kẻng”. Thêm nữa là game được thiết kế bởi Richard Garfield, cha đẻ của Magic: The Gathering, một tựa game thẻ bài huyền thoại, đầu tàu của thể loại game bài ma thuật trên PC. Do vậy khỏi phải bàn về độ chất nhé.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button