Truyện FULL

One Punch Man: Hành hiệp trượng nghĩa, ra tay diệt quái nhưng tại sao Saitama vẫn gắn mác phản anh hùng?

Là nhân vật chính của One Punch Man và cùng là 1 anh hùng nhưng Saitama vẫn lọt top 5 nhân vật phản anh hùng được yêu thích nhất thế giới truyện tranh.

    Saitama là nhân vật chính của bộ manga/anime One Punch Man, người hùng với khả năng đấm phát chết luôn mọi quái vật. Cũng chính vì sức mạnh không tưởng của mình nên Saitama thường bị fan đùa là kẻ phản diện, trùm cuối,… Cho đến một ngày, một bài viết trên một trang báo mạng khá lớn đã xếp Saitama vào top 5 nhân vật phản anh hùng được yêu thích nhất thế giới truyện tranh.

    Từ đó, nhiều tranh cãi đã nổ ra, Saitama vốn là anh hùng cơ mà? Chẳng lẽ fan đùa nhiều quá nhà báo tưởng thật? Nhưng mà khoan, phản anh hùng đâu phải phản diện. Bài viết đó chẳng liên quan gì đến mấy câu đùa của các bạn đâu. Tuy nhiên, một cách nghiêm túc thì bài viết đó cũng khá thú vị khi đi ngược lại mọi quan điểm trước đây. Nhưng điều đó đúng hay sai?

     Trước tiên, điều gì khiến bạn nghĩ Saitama là một anh hùng? Cậu ta là nhân vật chính, cậu ta tiêu diệt quái vật, bảo vệ Trái Đất, đương nhiên rồi. Không chỉ có vậy, cậu ta chấp nhận bị gọi là kẻ ăn hôi để giữ lại cái danh “anh hùng” cho những người khác. Cậu ta giả làm cảnh sát khi giết quái vật để níu giữ niềm tin của nhân dân vào lực lượng này. Cậu ta nhường bộ đồ đi thi thời trang của mình cho một đứa bé và động viên nó tự tin hơn vào cách ăn mặc của bản thân…

    Hơn nữa, cậu ta nhận ra và tin vào phần con người bên trong những kẻ lỡ khoác lên hình hài quái vật… Và hơn thế nữa, Saitama đã bộc lộ khí chất của một anh hùng từ rất sớm. Ngày mới học sơ trung, cậu đã bị đàn anh khóa trên trấn lột dù cho cậu chỉ có mấy đồng lẻ và cậu cũng chống cự bằng toàn bộ sức lực của. Rồi con quái vật Heo đất (quái vật đầu tiên được ghi nhận) xuất hiện và hớt tay trên. Nhưng khi biết được rằng tên trấn lột thực sự cần số tiền ít ỏi đó để đủ đóng tiền ăn cho em trai, Saitama đã vùng dậy đuổi theo con quái vật bất chấp nguy hiểm.

    Và đến khi đã là một “anh hùng”, trong một lần ăn trưa trên nóc một tòa nhà, suất cơm của Saitama chỉ có duy nhất một miếng cá hồi nên cậu định sẽ để dành nó. Không may khi đó có một người đàn ông chán đời đang đi nhảy lầu. Khác với những người xung quanh chỉ biết đưa ra lời khuyên sáo rỗng mà mục đích chủ yếu là bú fame, Saitama đã thực sự lắng nghe và đồng cảm với những bế tắc mà người đàn ông đó đang phải gánh chịu. Để rồi sau đó, vì cứu người đàn ông mà cậu đánh rơi mất miếng cá hồi.One Punch Man: Hành hiệp trượng nghĩa, ra tay diệt quái nhưng tại sao Saitama vẫn gắn mác phản anh hùng? - Ảnh 2.

    Tất cả những điều này cho thấy bản chất của một anh hùng, niềm tin vào chính nghĩa, sự hi sinh bản thân, luôn nghĩ cho người khác luôn thường trực bên trong Saitama. Và… ngoài ra, Saitama còn là hình mẫu cho sự kiên trì, nỗ lực vươn lên, khát vọng bứt phá giới hạn bản thân của mỗi con người. Đồng thời cũng là nguồn khích lệ cho mọi người chăm thể dục thể thao nâng cao sức khỏe (idol của một số gymer).One Punch Man: Hành hiệp trượng nghĩa, ra tay diệt quái nhưng tại sao Saitama vẫn gắn mác phản anh hùng? - Ảnh 3.

    Nhưng tại sao lại có quan điểm xếp Saitama là phản anh hùng? Trước tiên phải tìm hiểu khái niệm phản anh hùng từ đâu mà có. Dựa vào những điều về bản chất anh hùng ở trên, có thể đưa ra một kết luận rằng, anh hùng là hiện thân của chính nghĩa, anh hùng sẽ luôn làm điều tốt, anh hùng sẽ luôn mạnh mẽ, anh hùng sẽ luôn nghĩ cho người khác…

    Càng tung hô sự vĩ đại của các anh hùng thì tiêu chuẩn của một anh hùng càng cao hơn và nó khiến chúng ta cảm thấy không thực. Bởi vì một con người thì sẽ có lúc này, lúc kia. Bởi vì một con người thì phải biết thương lấy bản thân rồi mới biết thương người khác. Vì lẽ đó, người ta đã nghĩ ra khái niệm “phản anh hùng” để chỉ tất cả những người làm những việc như một anh hùng nhưng không bị các tiêu chuẩn ràng buộc. Họ có thể có những phút yếu lòng, có thể nghĩ cho bản thân và có thể tự do làm điều mình thích mà không sợ sự phán xét từ xã hội.One Punch Man: Hành hiệp trượng nghĩa, ra tay diệt quái nhưng tại sao Saitama vẫn gắn mác phản anh hùng? - Ảnh 4.

    Nhìn lại Saitama, chúng ta thấy cậu ta có đầy đủ những yếu tố đó. Đâu có kiểu anh hùng nào lười chảy thây, suốt ngày nằm nhà xem TV. Anh hùng cũng không có kiểu chiếm dụng nhà bỏ hoang để ở rồi thu tiền thuê nhà của đồ đệ. Anh hùng thì không thể ăn quịt rồi lừa gái trả tiền. Anh hùng không được phép đứng cãi nhau tay bo với những người ném đá mình. Anh hùng không thể đánh ngất người ta đến 2 lần mà vẫn chẳng thèm nhớ mặt. Anh hùng cũng không có kiểu đấm tan xác quái để trút giận sau khi thua game, đi thi võ thuật để lấy tiền, lấy đồ của nạn nhân này để đền cho nạn nhân khác, lừa đồ đệ bằng mấy câu chém gió có vẻ triết lý…

    Hơn nữa, câu nói của Saitama “làm anh hùng vì sở thích” dù có thật hay không thì nó cũng khiến người nghe mất đi sự tin tưởng, điều mà anh hùng không được làm. So với câu “It is fine now. Why? Because I am here!” (tạm dịch “Mọi chuyện sẽ tốt thôi. Vì đã có ta ở đây rồi!”) của All Might – người anh hùng mạnh nhất của My Hero Academia thì đúng là một trời một vực. Vì những điều đó, gọi Saitama là một phản anh hùng cũng không hề sai.One Punch Man: Hành hiệp trượng nghĩa, ra tay diệt quái nhưng tại sao Saitama vẫn gắn mác phản anh hùng? - Ảnh 5.

    Cả hai đều không sai vậy nên đánh giá Saitama như thế nào cho đúng? Reigen Arakata (trong bộ Mod Psycho 100), một ông thầy chuyên lừa đồ đệ bằng mấy câu chém gió có vẻ triết lý khác từng nói rằng “Chúng ta khác mọi người bởi vì chúng ta sinh ra với năng lực đặc biệt. Nhưng điều đó không thể khiến bạn ảo tưởng rằng bạn là một ai đó đặc biệt. Chúng ta là con người. Bỏ qua thứ năng lực kia, chúng ta chẳng khác gì họ cả. Có những người chạy nhanh, có những người hát hay, có những người học giỏi, có những người hài hước và có những người có siêu năng lực.

    Chúng ta có gì khác họ chứ?” Câu này áp vào Saitama thực sự đúng. Bỏ qua sức mạnh phi thường thì cậu ấy cũng là một thanh niên bình thường ở ngưỡng tuổi 25 đầy chênh vênh. Cậu ấy cũng có một tuổi thơ dữ dội một cách bình thường. Cũng có những ước mơ đẹp đẽ, cũng bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt, cũng bị giáo viên mắng nhiếc, đối xử bất công… 22 tuổi (như chúng ta thì chính là khi học xong đại học) không kĩ năng, không người nâng đỡ, đi phỏng vấn không nơi nào nhận, không biết cuộc đời sẽ trôi về đâu.

    Cậu ấy thử một lần đánh cược vào ước mơ ngày bé để rồi… 25 tuổi, sau một thời gian dài chạy theo đam mê, cậu ấy lại một lần nữa trống rỗng. Cảm xúc trở nên bão hòa, không biết mình thực sự muốn gì, không biết mình nên làm gì. Thế giới thì cứ vận hành không ngừng nghỉ, và ngày mai đến là hàng đống thứ phải lo. Tiền điện, tiền nước, tiền chi tiêu,… Rồi cả chuyện tối nay ăn gì. Cuộc sống không có thời gian để dừng lại mà trầm tư, ngẫm nghĩ. Tự hỏi trong chúng ta, ai mà không phải trải qua những khó khăn như vậy? Cá nhân người viết năm nay cũng 25 tuổi. Đôi khi cũng cảm thấy mình trống rỗng, vô định. Nghĩ đến tương lai cũng chẳng biết mình phải làm gì. Chính vì vậy, tôi luôn cho rằng Saitama là một nhân vật cực kì thực tế và gần gũi.

    Không phải anh hùng hay kẻ phản anh hùng, Saitama chỉ là một thanh niên hết sức bình thường và cậu ấy là người tốt. .

    Bài viết có tham khảo khái niệm “phản anh hùng” từ trang “Quái vật điện ảnh” và Wikipedia.


Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button