Game PC

Những tổ chức đánh giá game: Lược sử ESRB

ESRB – tổ chức chuyên đánh giá nội dung và độ tuổi thích hợp cho game đã có lịch sử khá lâu đời, và nhiều lần thay đổi những mức đánh giá cũng như các nhãn mà họ dán cho game. Đây là một trong những “thế lực” quan trọng nhất của làng game thế giới, bên cạnh PEGI – dù cả hai thường xuyên bị… phớt lờ tại Việt Nam. Hãy cùng Mọt game thử tìm hiểu sự hình thành của ESRB trong bài viết này, bạn nhé!

https://www.youtube.com/watch?v=IL5htFUWmC4

Trong ngành công nghiệp âm nhạc, có một danh sách “15 Bài Bẩn Thỉu” được thực hiện bởi Parental Music Resource Center (PMRC) chứa những bài hát nổi tiếng nhưng bậy bạ hoặc xấu xa nhất. Một vài cái tên có tác phẩm xuất hiện trong danh sách này bao gồm Sheena Easton, Judas Priest, Prince, với những bài hát có nội dung mà các bậc phụ huynh không nên để lọt vào tai trẻ em.

Danh sách “15 Bẩn Thỉu” của PMRC

Dưới sự ảnh hưởng của PMRC, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Mỹ đặt ra một nhãn mới: Parental Advisory, dành cho những nội dung “đáng phải suy ngẫm”. Họ hi vọng rằng nếu mình có thể tự kiểm soát nội dung, chính phủ sẽ không phải can thiệp vào những gì mà các ca sĩ muốn bày tỏ trong những bài hát của mình, dù đó có là những vấn đề không hay trong xã hội.

Trong khi đó, Hiệp hội phim ảnh Mỹ cũng có một hệ thống đánh giá tương tự đã hoạt động từ năm 1968. Với 5 mức đánh giá từ cho mọi người đến chỉ dành cho người trên 17 tuổi, hệ thống đánh giá này liên tục được hoàn thiện với nhiều thay đổi khác nhau. Theo một nghiên cứu hồi năm 2015, 93% các bậc phụ huynh Mỹ cho rằng đây là một hệ thống đánh giá hữu dụng.

Năm 1994, sau khi tựa game Mortal Kombat bị “bóc phốt” là quá bạo lực và chính phủ Mỹ yêu cầu nền công nghiệp game phải có quy chuẩn xếp hạng nội dung cụ thể để ngăn chặn trẻ em tiếp xúc với nội dung game không phù hợp. Hiệp hội phần mềm giải trí (ESA) quyết định bắt chước theo những cách đánh giá nội dung của phim ảnh và âm nhạc. ESA là một nhóm tập hợp tất cả những cái tên lớn trong ngành công nghiệp game, và vì thế các nhà phát triển dù lớn hay nhỏ đều phải chơi theo luật của họ. Khi một tựa game sắp ra mắt, ESRB sẽ xem xét, đánh giá và gắn nhãn cho nó, giúp các bậc bố mẹ biết được có những gì ẩn chứa bên trong trò chơi. Lúc này, trách nhiệm kiểm soát con mình chơi gì là của các bậc phụ huynh.

Một đánh giá ESRB gồm ba phần: độ tuổi, nội dung và “interactive” – tạm dịch là tính tương tác.

Các đánh giá độ tuổi của ESRB.

Độ tuổi là điều đã quá quen thuộc. EC dành cho trẻ nhỏ, E cho tất cả mọi người (trước đây là K-A, hay Kids to Adults), E10+ cho tuổi từ 10 trở lên, T cho teen (13-19), M cho người từ 17 tuổi và AO chỉ dành cho người trưởng thành. Ngoài ra, còn có RP cho những tựa game đang chờ được đánh giá. Trong số này, AO là một nhãn rất ít khi được sử dụng, nhưng thường được xem là án tử cho những tựa game muốn đạt được thành công.

Nội dung là những dòng chữ nhỏ nằm kế bên đánh giá độ tuổi. Có 30 dòng đánh giá khác nhau cho biết những gì được thể hiện trong trò chơi, từ tương đối vô hại như “Crude Humor” chỉ những trò đùa thô bỉ, cho đến nặng hơn như Strong Sexual Content, Nudity, Violence, Blood and Gore… Thông thường, chỉ những nội dung liên quan nhất đến đánh giá độ tuổi của trò chơi được in trên bìa đĩa, bởi có thể bìa đĩa… không đủ chỗ, đặc biệt là những tựa game máu me, bạo lực như GTA hay Hatred.

Hatred bị “kết án” Adult Only

Cuối cùng, các yếu tố tương tác là một mảng được ESRB đưa ra hồi năm 2013. Nó bao gồm microtransaction – những món đồ được bán trong game, tương tác giữa game thủ với nhau (thứ mà nhà phát triển rất khó kiểm duyệt), chia sẻ vị trí người dùng, và kết nối internet. Trong số này, microtransaction chỉ vừa được đưa ra vào tháng 2/2018, nhằm nhắc nhở các bậc phụ huynh rằng ví tiền của họ có thể sẽ… bay hơi nếu trẻ táy máy với những tựa game có nhãn này.

Những đánh giá này có hiệu quả trong việc ngăn game thủ tiếp cận với những trò chơi không phù hợp với độ tuổi hay không? Theo nhiều nghiên cứu trong 10 năm qua, câu trả lời là có. Theo các kết quả này, khả năng mua được một tựa game bị đánh giá M khó hơn 2 lần so với việc mua một bộ phim đánh giá R (trẻ dưới 17 cần phụ huynh xem xét), chứ đừng nói đến game AO.

“Mature” là một đánh giá thường xuyên được sử dụng

Để làm được điều này, ESRB đã hợp tác với rất nhiều tổ chức, cá nhân và các phương tiện thông tin đại chúng để lan tỏa những thông tin cần thiết cho các bậc phụ huynh lẫn những người buôn bán game. Tuy nhiên, trong mắt của số đông những người thiếu hiểu biết về game, trò chơi điện tử vẫn là khởi nguồn của những điều xấu xa.

Hi vọng rằng khi chúng ta – những người trẻ, yêu và hiểu biết về game – trưởng thành, có địa vị và tiếng nói trong xã hội, game sẽ được nhìn nhận dưới một lăng kính khách quan hơn để trả game về đúng chỗ của nó: một hình thức nghệ thuật hoàn chỉnh, thứ giúp chúng ta giải trí, học hỏi và có được những trải nghiệm tuyệt vời mà không một phương tiện nào khác có thể đem lại cho chúng ta.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button