Game PC

Những game xịn “nát bét” khi chuyển thể lên PC – P1

Chơi game trên PC thì “sướng” khỏi phải bàn nhỉ! Game rẻ nhờ Steam sale hay mua theo gói như trên Humble Bundle với GOG, đã thế còn “max setting” đồ họa 60fps. Thị trường game nền tảng PC Master Race luôn là một mảnh đất tiềm năng, nhiều nhà phát triển sống chết cố chuyển thể lên PC những đứa con cưng của mình hầu hốt đậm từ thị trường này. Trong cuộc chạy đua như đua nhau tìm vàng đó, không ít game “chết” ngay khi được ra mắt hay thậm chí giết luôn danh tiếng của cả dòng game.

Tất cả đều nằm ở “trình độ”

Gặp lỗi khi chuyển thể lên PC luôn là vấn nạn của hầu hết các nhà sản xuất game đa nền. Chính do đặc tính đa nhiệm và đa dạng về cấu hình máy nên việc đưa một game console vốn có cấu hình gần như cố định lên sẽ vấp phải rất nhiều bug.

Bug khi chuyển thể lên PC là chuyện thường gặp

Mặt khác, việc xử lý về chuyển thể kèm theo thiết kế lại hệ thống điều khiển game cho phù hợp với bàn phím – chuột của PC không phải ai cũng làm được. Sự thật thì khá ít hãng có khả năng chuyển thể (port) game hoàn chỉnh lên PC.

Do tiết kiệm chi phí nên các game đa nền thường được dựng từ 1 bản chuẩn dành cho console trước sau đó “port” lên các hệ khác và PC. Một số hãng thậm chí còn thuê công ty ngoài port game của mình lên PC. Nếu xui gặp công ty trình “còi” hoặc ngân sách quá ít để làm thì sản phẩm ra đời sẽ là thảm họa.

Hệ thống điều khiển khác biệt cũng gây khó chịu nếu thiết kế lại không tốt

Hãy cùng Mọt game khám phá những ví dụ khó chịu nhất của nạn port game kém chất lượng này nhé.

Quả đắng Dark Souls

Dark Souls: Prepare to Die có thể coi là một phiên bản khá ngon lành của dòng game “YOU DIE” cho game thủ PC. Một tựa game nhập vai cực hại phím với gameplay lăn quay vòng vòng boss rồi bị chọc tiết. Cơ mà lăn lăn thế giết được trùm mới hay, nhất là với cái độ tối ưu điều khiển chuột – phím “tù” không thể tả bằng lời. Không những thế, game này cũng chẳng cho ai tùy chỉnh lại cài đặt phím, người chơi phải chấp nhận chơi bằng kiểu phím quy định sẵn. Đã thế trải nghiệm về mặt hình ảnh cũng vô cùng “try hard” khi mà độ phân giải dựng hình của game bị khóa ở 720p30fps.

Takeahi Miyazoe – đại diện cho FromSoftware trả lời làng game rằng họ đã cố gắng đem tựa game “cực ức chế với lắm người” này chuyển thể lên PC nhanh nhất có thể. Thế nên họ quyết định tạm gác việc chăm chút Dark Souls bản PC sao cho hoàn chỉnh và thân thiện hơn với game thủ vì nó quá tốn thời gian. Thay vào đó họ quăng cục nợ lại cho chính người chơi tự xử.

Đùa chứ, họ không hề có ý đùn cho cộng đồng sửa cái sai của họ nhưng game thủ đã buộc phải hành động để có thể chơi được game. Fan bắt tay vào việc tạo ra một bản cập nhật “cây nhà lá vườn” sửa được hầu hết vấn đề vẫn đang tồn đọng của Dark Souls. Nhưng mà lúc đó đã là 5 năm sau ngày tựa game port cẩu thả hạng nhất này ra mắt.

Badman: Arkham Knight quá “khoai”

Cái game Batman: Arkham Knight này khi được chuyển thể lên PC thì phải nói là chạy quá “tởm”, “tởm” không thể chấp nhận được! Fps quá thấp kể cả khi chạy trên máy xịn, giật lag liên tục, texture không tải (load) lên màn chơi được, bật “hiệu ứng hình ảnh” lên thì khỏi chạy được game luôn.

Warner Bros. biết tỏng vụ này suốt hàng tháng trời và vẫn nhắm mắt cho phép trò chơi lên kệ. Rồi tới khi người hâm mộ nổi khùng vì bỏ tiền mua game mà chơi chả được thì họ bèn dừng bán. Vài tháng sau, Warner Bros. và Rocksteady tái phát hành phiên bản được cho là đã có thể chạy mượt hơn… một chút “xíu”. Lần này thì quá sức chịu đựng rồi, game thủ lại điên tiết lên và WB. Interactive phải cho fan hoàn tiền mua game.

NieR Automata

Khi chiến NieR: Automata bản chuyển thể lên PC, game thủ khó mà phân biệt nổi mấy thứ “ngồ ngộ” lâu lâu nhấp nháy trên màn hình máy tính. Họ luôn tự hỏi đó có phải là một dạng hiệu ứng màu mè của game hay là lỗi hiển thị.

Đầu tiên, vụ giật lag bất thường rõ ràng là lỗi game rồi khỏi phải bàn. Còn mấy cái như trỏ chuột chui ra giữa màn hình hay ăn “flash” mỗi chục giây chặt chém dù mấy con quái dễ cưng tròn trĩnh chả làm gì mình thì hơi khó hiểu. Có khi là 2B bị dính virus? Ờ, thế là treo game à? Lỗi, lởm đừng lấp liếm!

Square Enix thì chả thèm quan tâm quái gì vụ bug game, 800.000 bản trong tuần đầu bán game đổi lại một mớ đô la vào túi thì cần gì lo làm patch sửa lỗi cho vài thằng cá biệt dính “virus”. Và cứ thế, ai mà bị treo game hay làm phiền bởi cái con chuột vô duyên chen ngang mỗi khi combat thì cứ ráng chịu đi. “Anus” nó chả sửa đâu.

Mà cũng chính vì cái tính đó mà đến lượt Chrono Trigger chuyển thể lên PC, Square Enix bị chửi sml. Rõ là hãng này chẳng bao giờ giỏi ở khoản port game lên PC nhưng giá bán thì luôn đắt lòi.

Assassin’s Creed: Origins: “Sa mạc nóng lắm nên đừng chơi chi cho ra mồ hôi”

Đó là câu cửa miệng mỗi khi có đứa nào hỏi tôi có chơi AC Origins không. Thật ra chả phải do game chân thật quá mà là do nhà phát hành “nóng máu” với tụi “hải tặc” quá. Thế là cứ bỏ sa mạc vào game cho khỏi đứa nào bơi. Trên bản dành cho PC, 2 phần mềm chống crack được khởi chạy cùng lúc để ngăn chặn giới chơi lậu thó tay vào tựa game con cưng năm nay của Ubisoft.

Và cái quả biệt hiệu “Ubisuck” rõ là danh bất hư truyền khi một cracker cho biết rằng 30% đến 40% hiệu năng CPU bị ngốn bởi Denuvo và VMProtect khi game thủ muốn chơi AC Origins. Nguy cơ nguyên dàn máy phát hỏa vì tăng nhiệt độ CPU cũng không thể phủ nhận. Nhưng gã tham lam đến từ xứ sở của thời trang vẫn phủ nhận rằng chính sách chống xâm phạm bản quyền của họ là nguyên nhân gây ra sự bất tiện cho game thủ.

40% hiệu năng máy đấy! Chống crack chưa thấy hiệu quả đến đâu mà trước mắt người bỏ tiền mua game đã bị “chống” rồi. Rốt cuộc game vẫn bị crack và người chơi lại có thêm lý do để bỏ sang chơi bản crack,  cái việc mà “Ubisuck” đang cố ra sức ngăn chặn đến mức mặc kệ quyền lợi người chơi.

Mega Man’s DOS

Mega Man’s DOS là tựa game làm lại từ Mega Man trên hệ máy console của Nintendo dành cho game thủ PC vào năm 1990. Đúng vậy, nó không hẳn là một bản chuyển thể lên PC từ game gốc mà là do một, duy nhất một “ông thần” tự tay làm lại hết các thứ rồi cho lên PC.

Steve Rozner – một nhân viên có “số” tại Capcom thời đó – quyết định tự tay code lại trọn cả game trong khi chẳng có một dòng mã nguồn nào từ Capcom. Mega Man’s DOS cực khó mà điều khiển trên bàn phím cảm giác cũng chả trơn tru gì (lỗi do ông lập trình viên luôn), đồ họa thì xấu đau xấu đớn, nhạc cũng tệ chả kém.

Chưa dừng ở đó, Rozner còn làm tiếp cả Mega Man 3 trên PC nữa. Tựa game này thì hoàn toàn chả liên quan gì đến dòng Mega Man đâu, do ông kĩ sư này thêm bộ đồ xanh xanh của nhóc “Dương Tiễn” vô rồi mới mượn được tên Mega Man để phát hành thôi.

Dù sao thì cũng có cố gắng. Nhưng ông bà ta có câu “Nhiệt tình cộng…” à mà thôi.

(Còn tiếp)

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button