Game PC

Mount&Blade II – Những thay đổi sẽ khiến bạn phải bất ngờ

Phiên bản đầu rất thành công đã khiến nhà phát triển Taleworlds đầu tư rất nhiều cho bản Mount&Blade II kế tục để không bị cái bóng thành công của tựa game đầu phủ mờ. Với những hé lộ gần đây của nhà phát triển, fan hâm mộ đã dần nhận ra một sản phẩm vượt trội đang sắp ra mắt. 

Khởi đầu nhẹ nhàng với kĩ năng “show hàng” khi bạn đeo vũ khí

Ở phiên bản trước, Mount&Blade đã bị giới hạn về việc thể hiện vũ khí thông qua vẻ ngoài của nhân vật, điều này sẽ làm người chơi “hơi chán” vì họ không thể vào quán rượu và khoe “xem kiếm tôi đẹp chưa này”. Nếu như bạn trang bị cả kiếm ngắn song song với chùy ngắn, kết quả chỉ hiển thị được mỗi cây kiếm. Tuy nhiên ở Mount&Blade II, Taleworlds đã chiều lòng người chơi bằng cách thêm số lượng vật thể có thể hiển thị trên nhân vật, theo đó bạn trang bị nhiều hơn 1 vũ khí, dĩ nhiên là nếu nâng cấp nhận vật cho phép đem nhiều vũ khí, thì số vũ khí đó sẽ hiện đủ trên nhân vật. Taleworlds còn dí dỏm rằng “có hơi bất hợp lý nếu người chơi đeo cả trường kiếm, búa chiến và gươm ngắn 1 tay cùng lúc. Tuy nhiên chả ai quan tâm nếu bạn rất ngầu đúng không?” 

Dĩ nhiên là sẽ rất dị nếu mớ vũ khí kia cứ cứng đơ khi bạn di chuyển trên ngựa hay chạy bộ, thế nên Taleworlds cũng kĩ lưỡng cho một tí rung rinh vào đó để bảo đảm không phải là dạng “cứng đơ cứng còng”. 

Mount&Blade II – Những thay đổi sẽ khiến bạn phải bất ngờ

Hiệu ứng vật lý khi bị tấn công – Ăn đòn thế nào cho ngầu?

Ở phần 1, thứ gây cho người chơi ấn tượng mạnh là hình ảnh một chiến binh thân chi chít tên găm, tấm khiên dày đặc vết chém cũng như mũi tên găm vào. Ở Mount&Blade II, Taleworlds bảo đảm sẽ còn khiến cho hiệu ứng này hơn cả kĩ xảo điện ảnh.

Trong phần mới, khi bạn bị tấn công hay bị bắn, dù đỡ được đòn tấn công bằng khiên, nhưng lực tấn công sẽ khiến cơ thể bị bật lại theo đúng hướng đòn tấn công đi vào. Thay đổi nhỏ này giúp người chơi cảm nhận được độ thật của chiến trận. 

Các loại vũ khí công thành

Thành quách luôn là một biểu tượng không thể thay đổi về thời trung cổ, hầu như 99% người khi nhắc về thời trung cổ sẽ nói về ba thứ, “các hiệp sĩ với giáp phục sáng loáng, kị binh ngầu lòi và các tòa thành vĩ đại”. Tuy nhiên chúng ta sẽ chả nói về cái nào trong ba cái kia cả, mà là thứ tiêu diệt 1 trong 3 cái kia hoặc cả 3, đó là các thiết bị công thành. Người chơi có thể đâm bất kì ai đó, chém bất kì thứ gì, nhưng chắc chắn không bao giờ chọc thủng được các tòa thành vĩ đại chỉ với tay không – gươm – giáo, thậm chí húc đầu vào tường cũng chỉ thiệt thân. Đó là lý do vì sao Taleworlds kì công tạo hẳn cho Mount&Blade II một list những loại vũ khí công thành kèm công năng riêng cho từng món.

Thang công thành: quá quen thuộc, từ Âu sang Á chỗ nào có thành quách thì có thang công thành, chức năng chính là…cho lính leo lên thành. Tuy nhiên cũng là loại vũ khí công thành rẻ và dễ chế tạo nhất. Binh lính leo thang công thành cũng chịu thương vong khá nhiều. Tác dụng của thang công thành thật ra là để binh lính nhanh chóng leo lên tường thành ở nhiều nơi, phân tán lực lượng thủ thành ngoài chuyện đó ra thì nó hết công năng. 

Tháp công thành: một phiên bản nâng cấp mạnh mẽ của thang công thành, tháp công thành giúp binh linh “đổ bộ” lên bờ thành với số lượng nhiều, ngoài ra còn che chắn bảo vệ binh lính. Tuy nhiên Tháp công thành lại rất dễ bị phá hủy bởi kích thước to cồng kềnh của nó, nó cũng đắt hơn thang nên người dùng sẽ phải cân nhắc khi nào mới đem nó ra. 

Xe phá cổng: Hẳn với ai đam mê game chiến tranh trung cổ sẽ không quên chiếc xe với cái đầu dê/sói/heo rừng kéo sát tới cổng thành và dùng cái đầu dùi cứng khổng lồ ấy đập bể cổng thành. Taleworlds cũng đem chiến xa công thành này vào game. Dĩ nhiên cũng như tháp công thành, xe đục cổng dễ dàng bị phá hủy bới lính thủ thành, nhưng may mắn thay là có lợp mái chắn giúp nó trụ kha khá thời gian khi bị bắn/đổ dầu hay ném đá, vẫn phải cẩn thận vì khi bị phá hủy đồng nghĩa số lính bên dưới sẽ phơi đầu ra cho xạ thủ bắn giết. 

Ballista (nỏ lớn): Về cơ bản đây là 1 cây nỏ khổng lồ, phóng đi các mũi tên cỡ ngọn lao hay giáo tốc độ cao để xé nát bất cứ áo giáp nào ngăn cản nó cũng như “kẻ nào xấu số” nằm trong đường tên. Ballista được cung cấp cho cả hai phe, thủ thành và công thành. Chắc chắn sẽ không ai muốn xông trận mà thấy đối diện là một cây Ballista đã lên đạn. 

Máy bắn đá: Đây là thứ sẽ tống tất cả mọi thứ vào kẻ thù bất kể chúng ngoài hay trong tường thành. Được người thời xưa thiết kế công phu tới mức có thể bắn đi những tảng đá to như cái… bánh xe bò và chắc chắn kẻ nào hứng phải sẽ không mở miệng phàn nàn gì hết (chết hết rồi) và máy bắn đá cũng như Ballista sẽ được trang bị cho cả hai phe, thế nên hãy cẩn thận với kẻ nào ném đá vào bạn. 

Trebuchet: Đây là một phiên bản nâng cấp của máy bắn đá, thực tế nó to hơn rất nhiều, và thay vì bắn những tảng đá to cỡ cái bánh xe bò thì Trebuchet  trong lịch sử có thể ném cả một con bò vào trong thành. Lẽ dĩ nhiên là nó siêu cồng kềnh và không thể di chuyển, bù lại tầm bắn xa hơn máy bắn đá rất nhiều. Trebuchet sẽ chỉ được trang bị cho phe công thành. 

Vậy một trận công thành sẽ diễn ra thế nào? Theo một thứ tự nhất định bất biến: Đầu tiên phe công thành sẽ đưa quân vây hãm thành bằng cách bao vây, dựng rào và cắt mọi tuyến tiếp liệu với một tòa thành. Lúc này một tòa thành được xem là đang bị vây hãm, lúc này có hai lựa chọn cho phe công thành.

Họ sẽ bao vây tòa thành cho tới khi quân thủ thành binh cạn lương kiệt và chiếm thành mà không mất quân tốt nào (quân lương vẫn mất vì khi vây hãm binh lính vẫn phải ăn) – mất rất nhiều thời gian.

Xây dựng thiết bị công thành và chủ động tấn công, lúc này dĩ nhiên là sẽ tốn kém chi phí gấp bội, tuy nhiên binh trọng thần tốc, nhất là khi người chơi đang trong thế cần đất cần thành gấp.

Phía thủ thành cũng có những lợi ích nhất định chứ không hẳn là cá nằm trên thớt.

Phe thủ thành hoàn toàn có lợi thế được bảo vệ bởi tường thành, nếu phe công không đủ tài-lực để tấn công hay vây hãm, kẻ tấn công sẽ tự bỏ đi.

Phe thủ thành cũng có thể thử vận may bằng cách xua quân ra tấn công trước khi phe công thành gom đủ binh lính và thiết bị công thành.
Chờ quân tiếp viện tới, lúc này là hai mặt giáp công và phe công thành sẽ phải một chọi 2 cả hai phía theo thế gọng kìm. Đây cũng là lý do chính khiến phe công thành phải luôn chủ động tấn công trước thay vì vây hãm.

Dưới đây là một video mô tả một trận công thành chiến trong Mount&Blade II 

https://www.youtube.com/watch?v=apWu5-PU8cE

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button