eSports

Góc nhìn từ câu chuyện Lowkey Esports: Cuộc chơi ‘hao tiền tốn của’ mang tên Thể Thao Điện Tử Chuyên Nghiệp

Khi thể thao điện tử còn chưa xây dựng được một vị thế vững chắc, thì những mặt hạn chế trong lĩnh vực này đang ngày càng được phô bày một cách phũ phàng.

Vụ việc Lowkey Esports nợ lương tuyển thủ đang trở thành đề tài bàn luận rất sôi nổi của cộng đồng Esports quốc tế. Theo nhiều thông tin hành lang, thì tổ chức thể thao điện tử đến từ Bắc Mỹ đang đứng trên bờ vực phá sản, và đã phải giải tán rất nhiều team Esports ở các chi nhánh khác nhau trên thế giới.

Lowkey Esports bị tố cáo nợ lương tuyển thủ và nhân viên trong hai tháng cuối năm 2019, trong đó riêng đội LMHT – Lowkey Vietnam vẫn còn 1,3 tỷ – 1,5 tỷ tiền lương chưa thanh toán

Nguyên nhân ban đầu được đánh giá là do định hướng phát triển sai lầm của các lãnh đạo tổ chứ, họ cho thành lập hoặc đứng ra tài trợ cho hàng loạt đội tuyển thuộc nhiều bộ môn khác nhau, nhưng lại không đủ tiền vận hành và duy trì.

Việc một tổ chức tên tuổi như Lowkey Esports mà cũng có thời điểm rơi vào bĩ cực, càng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi lớn về phương án vận hành của các team Esports hiện nay, đặc biệt là tại Việt Nam, nơi khái niệm “ chuyên nghiệp” vẫn còn vô cùng mập mờ.

LMHT chuyên nghiệp – Cuộc chơi bạc tỷ đầy may rủi

Con số 1,5 tỷ mà Lowkey đang thiếu nợ Artifact và đồng đội, cũng như các nhân viên LK Vietnam chỉ là khoản tiền lương 2 tháng chưa thanh toán. Nếu làm một phép tính đơn giản thì trong vòng 1 năm, khoản lương mà tổ chức Esports này phải chi trả sẽ rơi vào khoảng 5 tỷ.

Lấy đây là cột mốc trung bình cho tất cả đội tuyển khác ở Việt Nam, cộng với những khoản phí phát sinh như tiền chuyển nhượng, chi phí vận hành Gaming House, sinh hoạt phí cho tuyển thủ (các team đều chi trả 100% tiền ăn uống, sinh hoạt cho tuyển thủ và nhân viên), chi phí vận hành học viện (chẳng hạn như EVOS Esports)… thì mỗi năm, một team LMHT chuyên nghiệp tại VCS sẽ ngốn khoảng 10 tỷ VND.

Góc nhìn từ câu chuyện Lowkey Esports: Cuộc chơi hao tiền tốn của mang tên Thể Thao Điện Tử Chuyên Nghiệp - Hình 2

Thành tích, danh tiếng và tiềm lực tài chính của GAM là điều mọi tuyển thủ đều mơ ước

Một thông tin khác mà có lẽ các bạn còn chưa quên, thì 10 tỷ cũng số tiền mà cựu quản lý của Sky Gaming đã nhận được để chuyển giao đội tuyển cho tổ chức Team Flash. Và có thể hiểu, số tiền này chính là khoản đầu tư trong vòng 1 năm của đội tuyển này.

Vậy thì ở chiều ngược lại, các đội tuyển này sẽ kiếm tiền bằng cách nào? Chắc chắn chẳng có một doanh nghiệp hay cá nhân nào chấp nhận bỏ ra cả chục tỷ đồng mà không thu lại được gì (trừ khi người đó là Vương Tư Thông phiên bản Việt).

Góc nhìn từ câu chuyện Lowkey Esports: Cuộc chơi hao tiền tốn của mang tên Thể Thao Điện Tử Chuyên Nghiệp - Hình 3

10 tỷ VND – là giá trị của Team Flash được hé lộ bởi cựu quản lý SGD

Một trong những phương án gỡ vốn của các team LMHT chuyên nghiệp là tiền thưởng giải đấu. Ở VCS mùa hè 2019, tiền thưởng dành cho đội vô địch (GAM Esports) là 400 triệu VND, trong khi đội xếp cuối – CERBERUS Esports nhận được 65 triệu VND.

Riêng GAM và Lowkey còn nhận được tiền thưởng từ việc tham dự CKTG 2019, hiện tại chưa có con số chính xác (do chưa thống kê tiền thưởng thêm từ sự kiện trang phục Quán Quân), nhưng đều lên tới hàng trăm triệu đồng.

Góc nhìn từ câu chuyện Lowkey Esports: Cuộc chơi hao tiền tốn của mang tên Thể Thao Điện Tử Chuyên Nghiệp - Hình 4

Danh sách tiền thưởng VCS mùa hè 2019

Con số này quả thực chẳng thấm vào đâu, nhưng quan trọng là hiệu ứng tích cực mà nó mang lại. Càng có thứ hạng cao, thì các đội tuyển càng dễ có “fame”, dễ nhận hợp đồng tài trợ, stream và quảng cáo. Hoặc một số tổ chức thì sử dụng chính danh tiếng của đội tuyển để mở rộng kinh doanh, như việc bán áo đấu, áo lưu niệm của GAM cũng là một ví dụ.

Tức là thành tích trên sân đấu càng cao, cơ hội kiếm tiền càng lớn, thậm chí là theo cấp số nhân. Tuy nhiên vì để đánh đổi lấy thành tích đó, các đội top đầu cũng phải chi ra số tiền nhiều hơn hẳn. Điển hình, GAM Esports được cho là đã bỏ ra tới hơn 1 tỷ VND chỉ để mua lại Levi từ JD Gaming, và tiếp đó lại chi thêm gần 1 tỷ cho Palette trong mùa chuyển nhượng này. Trong vòng nửa năm qua, GAM chính là đội tuyển bạo chi nhất trên thị trường chuyển nhượng.

Góc nhìn từ câu chuyện Lowkey Esports: Cuộc chơi hao tiền tốn của mang tên Thể Thao Điện Tử Chuyên Nghiệp - Hình 5

Chỉ riêng giá trị chuyển nhượng của Levi đã lên tới hơn 1 tỷ đồng

Nếu xét trên bình diện tổng thể của LMHT Việt Nam, thì hiện tại chỉ có GAM Esports của LMHT (được yup.gg góp vốn đầu tư và tài trợ chính), và Mocha ZD Esports của Liên Quân Mobile (được tài trợ bởi Mocha – Một sản phẩm của Viettel) là có thể đảm bảo khả năng xoay sở nguồn vốn một cách lâu dài. Ngoài ra, Team Flash (cả hai đội LMHT và Liên Quân Mobile) cũng là một tổ chức lớn mạnh và có uy tín, nhờ vào định hướng phát triển Esports lâu dài, bài bản và danh tiếng đã được khẳng định.

(Nhắc riêng về trường hợp “nợ lương” của Team Flash LMHT, thì kết quả điều tra đã cho thấy đây là vấn đề cá nhân của cựu quản lý SGD với đội tuyển này, chứ không ảnh hưởng gì tới tiềm lực của đội).

Góc nhìn từ câu chuyện Lowkey Esports: Cuộc chơi hao tiền tốn của mang tên Thể Thao Điện Tử Chuyên Nghiệp - Hình 6

Điểm chung của GAM, Team Flash hay Mocha ZD là gì? Có lẽ chúng ta đều nhận thức được rất rõ. Họ đều thành công trong việc kêu gọi những nhà đầu tư đáng tin cậy, với danh tiếng và tiềm lực tài chính vững mạnh, để đảm bảo cho việc Và những ví dụ trên cũng chứng minh một điều rằng cuộc chơi mang tên Thể thao điện tử chuyên nghiệp không thuộc về những cá nhân, doanh nghiệp “chân yếu tay mềm”, và không “mạnh vì gạo bạo vì tiền”.

Giấc mơ và đam mê ư? Bạn sẽ mơ đẹp hơn khi nằm trên chiếc đệm lò xo chứ không phải dưới sàn nhà

Chúng ta có thể kể đi kể lại tới vài ngàn lần về câu chuyện “vứt hết liêm sỉ đi tìm nhà tài trợ” của QTV, với một thái độ thiện cảm và bông đùa, bởi Vũ Ca nổi tiếng “già dơ” mà. Nhưng ở một góc nhìn khác, các fan của QG mặc nhiên cũng cảm nhận được sự khó khăn trong việc vận hành một đội tuyển thi đấu tại VCS.

Góc nhìn từ câu chuyện Lowkey Esports: Cuộc chơi hao tiền tốn của mang tên Thể Thao Điện Tử Chuyên Nghiệp - Hình 7

Luôn nhắc đến việc tìm Nhà tài trợ cho QG với cách thể hiện hài hước, nhưng các fan của QTV đều hiểu, anh vẫn luôn đau đáu về việc làm thế nào để tìm kiếm một nguồn tài chính vững chắc nhằm duy trì hoạt động của đội tuyển này

Không có nhà tài trợ, không có nhiều tiền, đồng nghĩa với không có bom tấn. QG buộc phải sử dụng những tài năng trẻ đi lên từ xếp hạng đơn, họ có tiềm năng đấy, nhưng đẳng cấp thì chưa thể so sánh với những tuyển thủ chuyên nghiệp danh tiếng được, và kết quả là QG đành chấp nhận xuống hạng, xây dựng lại từ đầu. Nhưng ngay cả khi trở lại với VCS trong một hai mùa giải tới, thì mục tiêu của họ rốt cuộc vẫn chỉ là trụ hạng, nếu không tìm kiếm được một Nhà tài trợ mới.

Một tuyển thủ chuyên nghiệp từng có lần than thở rằng: “Nghề này trông hào nhoáng đấy, nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền kinh khủng lắm. Đỉnh cao sự nghiệp cùng lắm kéo dài 4 – 5 năm. Trong quãng thời gian đấy mà không kiếm đủ tiền tỷ để làm vốn sau này, thì coi như đời đi tong. Đủ 17 tuổi là đi đánh chuyên, học hành dang dở, lại chỉ biết cắm đầu vào máy tính, không chơi game thì chẳng còn biết làm nghề gì để kiếm sống.”

Góc nhìn từ câu chuyện Lowkey Esports: Cuộc chơi hao tiền tốn của mang tên Thể Thao Điện Tử Chuyên Nghiệp - Hình 8

Đằng sau nụ cười vô tư của các tuyển thủ trẻ, đôi khi là cả gánh nặng cơm áo gạo tiền

Người ta thường nói game là đam mê, nhưng khi đã kiếm sống bằng nó, thì đam mê cũng nhường bước cho cuộc chiến sinh nhai. “Cơm áo không đùa với khách thơ” mà.

Có thể, việc phải đón nhận quá nhiều drama, chứng kiến quá nhiều câu chuyện nợ nần trong giới, đã khiến cộng đồng game thủ có phần xem nhẹ vụ việc của Lowkey, nhưng cứ thử ngẫm tới việc, Tết đã sát đến chân, tiền lao động xương máu thì đang tít nơi nao chưa thấy, thử hỏi các tuyển thủ hay nhân viên của Lowkey còn tâm trí để mà “Tết sum vầy”, “Tết đoàn viên” hay không? Dẫu biết Esports là cuộc chơi đầy rủi ro, nhưng biến cố xảy đến vào thời điểm này rõ ràng có thể khiến ngay cả những người bản lĩnh nhất cũng phải chán nản.

Góc nhìn từ câu chuyện Lowkey Esports: Cuộc chơi hao tiền tốn của mang tên Thể Thao Điện Tử Chuyên Nghiệp - Hình 9

Sau một năm ngập tràn chiến tích, cứ ngỡ rằng “Hậu béo” và các đồng đội sẽ có được một cái Tết ngập tràn niềm vui…

Theo Helino

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button