Game PC

Game thủ rảnh rỗi bỏ hơn 1200 giờ để tái tạo lại mã nguồn Diablo

Mã nguồn của game – một khái niệm có lẽ còn hơi xa lạ và thường không được game thủ quan tâm, nhưng nó lại chính là một phần không thể thiếu của bất kỳ tựa game nào. Chúng là sự sống, nguồn gốc và tất cả những gì một lập trình viên cần để tái tạo lại một siêu phẩm nào đó, có rất nhiều tựa game hay đã không thể tái tạo lại vì mã nguồn của chúng bị thất lạc theo thời gian, và Diablo là một trường hợp gần giống như vậy.

Về trường hợp của Diablo thì nó đã gần như mở cửa làng game khi ra mắt vào năm 1996, từ đó tới nay thì seri Diablo đã trở thành một huyền thoại không thể thay thế của cộng đồng, nhưng khi các nhà phát hành khác đua nhau remake hay remaster lại các tựa game của họ với chất lượng tốt hơn thì Blizzard vẫn rất thờ ơ với đứa con của họ. Một điều nữa là mã nguồn của Diablo I được giữ cực kín, vì vậy nên cộng đồng cũng chẳng thể nào “vọc vạch” lung tung với tựa game này được. 

Nhưng mọi việc vẫn luôn có ngoại lệ, mới đây một coder có nickname Galaxyhax đã tìm tòi, cóp nhặt và moi móc từng đoạn mã của Diablo trôi nổi hoặc vô tình bị lộ ra từ những bản game cách đây gần 20 năm. Galaxyhax và đã cùng nhóm của mình đã lập ra một dự án có tên là Devilution để kết hợp những mảnh ghép này lại với nhau, sau đó họ tốn hơn 1200 giờ đồng hồ để liệt kê toàn bộ mã nguồn, lỗi và ti tỉ thứ lặt vặt khác chưa từng được công bố của Diablo I, cũng như mở ra cho cộng đồng một hướng đi mới để “vọc” với Diablo.

Hành trình của GalaXyHaXz bắt đầu từ những đoạn mã Diablo I bị vô tình lộ ra từ năm 1997, sau đó là bản Hellfire do Synergistic Software cùng phát triển, cũng như bản port lên Playstation sau đó, Devilution đã có chia sẻ về hành trình của mình như sau:

– “Một vài file lập trình đã vô tình bị lộ ra trong bản port Diablo phiên bản Nhật, và nó chứa gần như đầy đủ mọi thứ trong game. Sau đó chúng tôi còn đào sâu vào phần Diablo đầu tiên và tìm ra rất nhiều đoạn mã sửa lỗi chưa hoàn chỉnh, nó cho phép nhóm tiếp cận các công cụ và những đoạn mã nguồn khác. Tập hợp chúng lại với nhau và chúng tôi đã gần như tái tạo lại được mã nguồn của Diablo.” 

Nhóm của Galaxyhax đã tập hợp các đoạn mã nguồn này lại và công bố thành một file riêng để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận. Nó không những khiến những modder Diablo có cơ hội để thể hiện tài năng của mình, mà còn mở ra một hướng đi mới khi cộng đồng giờ đây hoàn toàn có thể chung tay để cải tiến tất cả mọi thứ mà họ chưa hài lòng với Diablo.

Cần nói rõ là các nhà phát triển rất hiếm khi cung cấp mã nguồn của những tựa game của họ, trong quá khứ chúng ta đã từng thấy id Software cực kỳ hào phóng khi “cho không” mã nguồn của Doom. Nhưng Blizzard là một trường hợp khác và họ cực kỳ gắt gao trong việc giữ bí mật mấy thứ này, vào năm ngoái khi một fan vô tình có được một chiếc đĩa chứa thông tin mã nguồn của Starcraft, bọn họ đã làm mọi cách để thu hồi lại nó, bao gồm luôn cả tài trợ cho anh chàng may mắn này một chuyến tham quan hội chợ BlizzCon hoàn toàn miễn phí.

Do đó hành động của Galaxyhax và các đồng sự có thể tính là đã vi phạm luật bảo vệ bản quyền. Chính bản thân bọn họ cũng không chắc liệu một ngày nào đó Blizzard sẽ đến và yêu cầu nhóm giao lại những đoạn mã nguồn này hay không, Galaxyhax cũng đã tìm cách liên lạc với Blizzard nhưng cho tới giờ thì mọi thứ vẫn còn rất mù mờ, vì hãng chưa cho họ một câu trả lời cần thiết.

Dù thế nào đi chăng nữa thì việc bỏ hàng đống thời gian, công sức và tâm huyết để tái tạo lại mã nguồn của một tựa game huyền thoại chỉ từ các manh mối nhỏ lẻ trên mạng đã là cả một kỳ tích. Và Galaxyhax đáng được khen ngợi và trân trọng từ cộng đồng Diablo toàn thế giới, mặc dù chả biết Blizzard sẽ xử lý việc này thế nào.

Và bạn cũng nên biết với mã nguồn của một game người ta có thể làm rất nhiều thứ từ đó. Mod game hay vọc vạch chỉ là khởi đầu vì bạn hoàn toàn có thể làm một bản remake hoàn chỉnh với mã nguồn này, chỉ cần kêu gọi cộng đồng chung tay vẽ lại phần đồ họa theo công nghệ hiện đại. Ngược lại, cũng từng có nhiều nhà phát triển “khóc tiếng I-rắc” khi remake một game đã bị thất lạc mã nguồn, họ phải ngồi dựng lại mọi thứ từ đầu, tức là viết ra mã nguồn mới theo cơ chế hoạt động của game cũ.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button