Game PC

Điểm mặt loạt game kinh dị rất hợp để chơi vào đêm đông lạnh giá (phần 2)

Tiếp nối bài viết trước, hãy cùng TCN điểm qua một loạt game kinh dị rất phù hợp để bạn trải nghiệm một mình vào ban đêm thời tiết mùa đông giá rét.

Amnesia: The Dark Descent

Liệt kê một loạt game kinh dị mà không nhắc đến các game của studio sản xuất game kinh dị nổi tiếng Frictional Games thì quả là thiếu sót cực lớn. Từng nhận được sự chú ý trước đó với loạt game kinh dị Penumbra, tuy nhiên Amnesia: The Dark Descent (2010) mới chính là cú hích làm nên tên tuổi cho Frictional Games.

Bối cảnh của game diễn ra trong một tòa lâu đài lạnh lẽo và cũ nát tại vương quốc Phổ (nay là Đức – NV) vào năm 1829. Người chơi sẽ vào vai một chàng trai trẻ đến từ London có tên Daniel bị mất trí nhớ và điều duy nhất anh ta còn nhớ được đó là cái tên của mình. Với hi vọng tìm được manh mối mình là ai và tại sao lại ở đây, Daniel bắt đầu cuộc hành trình khám phá lâu đài, lần lượt ghé thăm những hành lang và căn phòng tối tăm. Tất nhiên, lẩn trong bóng tối là mấy “người bạn” chẳng mấy dễ chịu mang tên Gatherers. 

Sở hữu ngoại hình kì dị, lũ Gatherers là lý do biến Amnesia: The Dark Descent trở thành một tựa game kinh dị – sinh tồn đúng chất. Game đặt người chơi vào vị thế một con mồi “không một tấc sắt trên tay”, khi bạn không thể làm gì khác ngoài việc bỏ chạy và ẩn nấp khỏi những sinh vật này.

Mỗi cuộc rượt đuổi giữa lũ Gatherers và người chơi qua những dãy hành lang dài, những căn phòng trống đều như một màn tra tấn tinh thần cao độ khiến bạn luôn trong tâm trạng “căng như dây đàn”.

SOMA

Thừa thắng xông lên sau thành công của loạt game Amnesia: The Dark Descent, Frictional Games tiếp tục chứng tỏ mình là một trong những NSX game kinh dị hàng đầu với dự án mới nhất mang tên SOMA.

SOMA lấy bối cảnh tại một trung tâm nghiên cứu dưới đáy biển, nơi vì lý do nào đó không hề tồn tại một bóng người mà thay vào đó là những con robot với hình dạng vô cùng kì dị.  Nhân vật chính trong SOMA là Simon Jarrett, vốn vừa trải qua một cú sốc lớn sau khi khi vợ con qua đời trong một vụ tai nạn ô tô. Tồi tệ hơn, bản thân Simon Jarrett cũng gặp phải tổn thương não rất nặng sau vụ tai nạn khiến sự sống chỉ còn tính bằng ngày.

May mắn thay, bi kịch của Simon được một người bác sĩ tài năng biết đến. Ông quyết định nghiên cứu một dự án thí nghiệm có thể giúp chữa trị tổn thương não cho anh. Trong một lần đi khám bệnh theo lịch hẹn, Simon bỗng nhiên bất tỉnh nhân sự trong quá trình quét não. Và cũng giống như mô típ của nhiều tựa game kinh dị khác, người chơi sẽ tỉnh giấc ở một nơi hoàn toàn xa lạ và bắt đầu tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. 

Giống như Amnesia, phần lớn thời gian trong SOMA người chơi sẽ dành để khám phá, ẩn nấp, quan sát môi trường xung quanh hòng lẩn trốn khi không hề có bất cứ món vũ khí tự vệ nào trong tay. Game không quá lạm dụng những thủ pháp hù dọa gây giật mình cho người chơi. Thay vào đó sự đáng sợ trong SOMA đến từ bầu không khí ngột ngạt và căng thẳng của môi trường xung quanh. Với phần hình – âm được thực hiện cực kỳ chân thực, game khiến người chơi luôn có cảm giác…sắp có thứ gì bất ngờ xuất hiện trong khung cảnh tranh tối tranh sáng khi khám phá các hành lang hay căn phòng tại trung tâm nghiên cứu dưới đáy biển.

Silent Hill 2

Nhắc đến game kinh dị mà bỏ sót một trong những dòng game được coi là tượng đài như Silent Hill thì quả là thiếu sót cực lớn. Trong số ba phiên bản đầu tiên của loạt game vốn đều rất kinh điển, Silent Hill 2 luôn là cái tên được giới chuyên môn và game thủ đánh giá là xuất sắc nhất.

Silent Hill 2 đưa người chơi nhập vai nhân vật chính trong game là James Sunderland. Câu chuyện của game bắt đầu khi một ngày nọ, James nhận được một lá thư kì lạ được gửi từ người vợ đã qua đời 4 năm trước. Trong thư ghi rằng cô đang chờ anh ở một “nơi đặc biệt” tại Silent Hill, thị trấn từng gắn với nhiều kỷ niệm đẹp giữa họ. James tỏ vẻ hoài nghi nhưng anh vẫn quyết định quay trở lại Silent Hill để tìm ra sự thật mà không biết rằng, một loạt những bí mật khủng khiếp đang chực chờ trong màn sương mù trắng xóa. 

Tương tự như các game kinh dị cùng thời kỳ, lối chơi của Silent Hill 2 lấy yếu tố sinh tồn kinh dị (surrival horror) làm chủ đạo. Chẳng hạn, đạn dược trong game sẽ không có nhiều, đòi hỏi người chơi cần phải sử dụng một cách hợp lý và tiết kiệm.

Tuy nhiên, khác với những loạt game kinh dị khác, Silent Hill 2 không tập trung hù dọa người chơi bởi lũ quái vật đáng sợ sẵn sàng ngấu nghiến tất cả những gì xuất hiện trên đường đi. Thay vào đó game xoáy sâu vào khía cạnh kinh dị tâm lý, chú trọng khai thác tính kinh dị từ ngay bản thân câu chuyện hay những giằng xé trong chính nội tâm nhân vật. Trong suốt quá trình chơi, game thủ sẽ được dẫn dắt đến nhiều tình huống mà bạn sẽ thấy lạnh xương sống.

Eternal Darkness: Sanity’s Requiem

So với các tựa game kinh dị khác trong bài viết, Eternal Darkness: Sanity’s Requiem không thực sự là một cái tên được nhiều game thủ Việt Nam biết tới. Ra mắt vào năm 2002 trên hệ máy Gamecube, Eternal Darkness có thể coi là một trong số ít những tựa game kinh dị đi theo chiều hướng kinh dị tâm lý mang đến sự ám ảnh cho người chơi.

Vào vai Alexandra Roivas, người chơi trải qua một câu chuyện kinh dị mang hơi hướng huyền ảo đầy hấp dẫn. Game lấy bối cảnh chính tại một biệt thự bí ẩn trên đảo Rhode, nơi nhân vật chính tìm được một cuốn sách bí ẩn mang tên The Tome of Eternal Darkness trong căn phòng của người ông vừa mới qua đời.  Trong quá trình khám phá bí mật dẫn đến cái chết lạ thường của ông ngoại mình, cuộc phiêu lưu kỳ dị của Alexandra bắt đầu khi cuốn sách bóng tối được mở ra, đưa cô đến với những sự kiện ghê rợn của nhiều dòng thời gian khác nhau. 

Khác với các game cùng thể loại, Eternal Darkness sở hữu tính năng cực kỳ độc đáo có tên gọi “sanity effects”, vốn biểu thị mức độ tỉnh táo của nhân vật trong game. Trong những tình huống nguy hiểm, thanh “sanity meter” sẽ giảm xuống. Lúc này, Alexandra sẽ gặp phải ảo giác, thể hiện trong game bằng những góc quay camera dị thường cùng những âm thanh đáng sợ như tiếng bước chân, tiếng cửa sập, tiếng gào khóc của phụ nữ hay cảnh tượng máu chảy qua trần nhà.

Alien: Isolation

Mặc dù rất thành công trên màn ảnh nhưng tính đến nay, số lượng game ăn theo loạt phim kinh dị viễn tưởng “Alien” với chất lượng cao lại tương đối khiêm tốn. Hầu hết tất cả các phiên bản Alien trước đây đều không được các trang tin lẫn cộng đồng game thủ đánh giá cao do thiếu tính sáng tạo hay vẫn thiên về yếu tố hành động quá nhiều.  Tuy nhiên với Alien: Isolation, đây là một trong số hiếm hoi game lấy đề tài “quái vật không gian” mang đến cho người chơi nỗi sợ hãi tột cùng khi bị săn đuổi bởi một con Xenomorph.

Bối cảnh của Alien: Isolation xảy ra vào năm 2137, 15 năm sau các sự kiện trong phim Alien 1979 của đạo diễn Ridley Scott. Nhân vật chính trong game là Amanda Ripley, con gái của sĩ quan không gian Ellen Ripley – nhân vật chính trong 4 phần phim Alien đầu tiên. Để điều tra sự biến mất của mẹ mình, Amanda quyết định đến trạm không gian Sevastopol để tìm máy ghi âm chuyến bay của con tàu định mệnh mà mẹ cô có mặt là Nostromo. Tuy nhiên, khi phi hành đoàn đến Sevastopol, họ không ngờ rằng nơi đây là trở thành nơi ẩn náu của một con Xenomorph vô cùng nguy hiểm. 

Lối chơi của Alien: Isolation nhấn mạnh vào yếu tố kinh dị sống còn thay vì phong cách xách súng xả đạn khắp nơi. Tương tự như Outlast, trong game người chơi bị tước đoạt hoàn toàn khả năng tự vệ. Bạn chỉ là một con mồi đang cố gắng lẩn trốn một cách tuyệt vọng “kẻ săn mồi” là một con Xenomorph cao tới 3m vốn không thể tiêu diệt bằng hỏa lực thông thường.  Một cuộc chiến sinh tồn dai dẳng với những con Xenomorph vô cùng hung hãn và thông minh đang vờn bạn quả thực là một trải nghiệm khiến fan của dòng game kinh dị khó có thể chối từ.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button