Game PC

Đánh giá Caller’s Bane: Card game miễn phí từ cha đẻ Minecraft

Caller’s Bane là tựa game đến từ Mojang, cái tên khi được nhắc tới thì có lẽ 90% game thủ sẽ nghĩ ngay tới Minecraft và… không còn cái gì khác nữa. Phải nói là hào quang quá lớn của Minecraft đã che mờ mọi thứ khác, nhưng mới đây công ty này đã tung ra 1 tựa game online miễn phí theo phong cách Card game là Caller’s Bane.

Có một vấn đề khá phiền phức là vốn Caller’s Bane có tên khởi điểm là Scrolls (Mojang Scrolls), nhưng khi ngày ra mắt gần kề, Mojang đã bị các luật sư của Bethesda Softworks lôi ra tòa vì “dám” sử dụng từ Scrolls sẽ làm game thủ phân vân với The Elder Scrolls. Vụ việc này lằng nhằng một hồi cuối cùng Bethesda Softworks đồng ý không làm lớn thêm nữa, và Mojang chấp nhận đổi tên game của họ thành Caller’s Bane. 

Caller’s Bane là một loại card game có pha chút yếu tố chiến thuật chia ô, nó gần giống như tựa game Magic: The Gathering – Battlegrounds của Atari, người chơi sẽ dùng các lá bài triệu hồi ra những loại quái vật, phép thuật hoặc yểm bùa vào đối phương. Để chiến thắng, bạn phải phá hủy được 3 cột tổ gọi là Idols của đối phương, cũng như bảo vệ Idols của mình.

Được bắt đầu phát triển từ năm 2012, nên lối chơi của Caller’s Bane khá đồ sộ có thể làm những ai chưa từng tiếp xúc với thể loại này bối rối, nhưng nó không hề phức tạp và bạn sẽ dễ dàng thông thuộc luật lệ sau khoảng nửa giờ hướng dẫn. Cũng giống như các tựa game bài ma thuật khác như Hearthstone, Caller’s Bane chia số bài của mình thành 5 loại khác nhau bao gồm: Growth, Energy, Order, Decay và Wild, tương ứng với các “class” trong game. 

Trong mỗi lượt, người chơi sẽ phải chọn lựa hiến tế (Sacrifice) các lá bài mình đang có để đổi lấy tài nguyên, có 2 loại hiến tế là đổi bài trên tay lấy Resource – năng lượng dùng để làm tất cả mọi thứ trong game (triệu hồi quái vật, dùng phép, yểm bùa…), hoặc hiến tế 1 lá bài để rút thêm 2 lá mới. Mỗi lượt người chơi chỉ có thể hiến tế 1 lần, do đó chọn lựa đổi Resource hay rút bài là yếu tố rất quan trọng trong game.

Mỗi “class” trong game đều sử dụng một loại Resource riêng biệt, thí dụ như bạn hiến tế 1 lá bài hệ Growth thì nó chỉ có thể sử dụng để triệu hồi các lá bài cùng hệ, chứ không thể lấn sang các phần còn lại (trừ Wild là dạng Resource đặc biệt có thể thay thế 4 “class” chính). Việc phân chia này khiến phong cách của Caller’s Bane rất đa dạng, cho phép người chơi có thể trộn lẫn nhiều loại bài với nhau, lựa chọn chiến thuật “all-in” vào một hệ hoặc phân chia tài nguyên của mình ra để làm đối phương bất ngờ. Đây là điểm sáng để khiến Caller’s Bane nổi lên so với các đối thủ cùng thể loại, tính chiến thuật cao khiến game phân hóa người chơi rõ nét và giảm thiểu độ may rủi. 

Khác với những card game truyền thống, Caller’s Bane chia bàn chơi làm 5 đường tương ứng với 5 Idols để 2 bên bảo vệ. Người chơi sẽ triệu hồi quái vật ở từng đường tương ứng để tìm cách phá hủy Idols đối phương, các quái vật có 3 chỉ số là sức tấn công, máu và tốc độ. Ngoài máu và sức tấn công đã quá quen thuộc thì tốc độ là một thứ khá thú vị, một quái vật khi được triệu hồi vào sàn đấu sẽ phải mất vài lượt “làm quen” rồi mới được tấn công, quái vật tốc độ càng cao thì thời gian này càng giảm đi và càng đánh được nhiều lần hơn.

Mỗi quái vật đều có các nội tại hoặc kỹ năng để sử dụng, điểm hay của Caller’s Bane là dù quái vật yếu tới đâu thì chúng vẫn có thể trở nên cực mạnh khi kết hợp theo các combo khác nhau. Ngoài ra người chơi vẫn có thể sử dụng các loại buff gọi là Enchant để bổ sung cho đội quân của mình, một điểm khác biệt nữa là mỗi khi người chơi sử dụng một lá bài, nó sẽ được đưa vào mộ và tái sử dụng sau đó, vì vậy trong Caller’s Bane chỉ có đánh nhau tới khi một trong hai gục hẳn, chứ không có chuyện thua vì hết bài. 

Caller’s Bane vẫn đi theo các hoạt động thường thấy như normal match hoặc rank, theo đó người chơi cũng có thể làm các nhiệm vụ để kiếm tiền mua bài mới. Do mới ra mắt chính thức nên Caller’s Bane rất dễ đăng ký, người chơi chỉ cần download bản cài đặt về và đăng ký nick ngay trên máy chủ của game, không cần xác nhận email. Nhưng một điểm trừ là có vẻ khâu quảng cáo của Caller’s Bane chưa tốt lắm, khi số lượng người chơi còn khá khiêm tốn, mặc dù game không hề tệ.

Dù sao thì Caller’s Bane vẫn là một card game có tiềm năng và chiều sâu, cũng như đến từ một nhà phát hành huyền thoại thì nó vẫn đáng để thử qua, nếu các bạn có hứng thú thì cũng có thể truy cập vào link bên dưới để download game:

Trang chủ game: https://callersbane.com/

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button