eSports

Cuộc sống của VĐV eSport – làm 14h/ngày, về hưu sớm

Được tham gia các giải đấu lớn và có cơ hội mang về hàng triệu USD tiền thưởng, nhưng cuộc sống của các vận động viên eSports ở Trung Quốc tồn tại không ít mặt trái.

Tại tầng hầm bên trong ngôi nhà nằm ở vùng ngoại ô Bắc Kinh, một nhóm nam thanh niên người Trung Quốc đang ngồi co cụm trước màn hình máy tính và chơi game 14 tiếng mỗi ngày. Họ không làm việc này cho vui. Họ là những vận động viên thể thao điện tử và đang tập luyện một cách nghiêm túc để có thể thi đấu.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, ngành công nghiệp eSports của quốc gia này đang phát triển nhanh chóng và nó hiện có giá trị hơn 14 tỷ USD. Các đội tuyển thể thao điện tử là nơi tập hợp của những người trẻ tuổi, được đào tạo chuyên nghiệp. Họ có cơ hội tham gia các giải đấu với quy mô trên toàn thế giới và mang về giải thưởng trị giá hàng triệu USD.

Các thành viên của RNG chụp ảnh nhóm tại giải đấu Dota 2 diễn ra tại Thượng Hải vào ngày 19/8.

Giống với các giải đấu thể thao khác, những vận động viên này cũng phải sử dụng kỹ năng của mình để hạ gục đối thủ. Điểm khác biệt duy nhất nằm ở việc họ sẽ phải thi đấu trong môi trường kỹ thuật số.

Năm 2018, đội tuyển Invictus Gaming của Trung Quốc lần đầu tiên giành chức vô địch thế giới trong tựa game Liên Minh Huyền Thoại. Họ đã vượt qua hàng loạt đối thủ lớn khác từ châu Âu, Mỹ và mang về giải thưởng trị giá 5 triệu USD.

Trao đổi với CNN Business, Bi Lianli, quản lý đội tuyển RNG (Royal Never Give Up) cho biết cô tin rằng Trung Quốc sẽ sớm trở thành kẻ dẫn đầu trên thế giới về thị trường chơi game chuyên nghiệp.

“Năm ngoái, Trung Quốc là nhà vô địch thế giới trong giải đấu Liên Minh Huyền Thoại. Tháng 5 vừa qua, chúng tôi cũng chiến thắng ở một giải đấu khác. Nó cho thấy một thực tế không thể phủ nhận rằng Trung Quốc hiện đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp eSports”, cô nói.

Cuộc cách mạng về eSports

Nhiều giải đấu chuyên nghiệp về game đã được tổ chức từ hơn một thập kỷ trước. Mỗi tựa game đòi hỏi người chơi có các kỹ năng khác nhau.

Cuộc sống của VĐV eSport - làm 14h/ngày, về hưu sớm - Hình 2

Trận chung kết giải vô địch Liên Minh Huyền Thoại diễn ra vào tháng 11 tại Hàn Quốc.

Trong “Counter Strike: Global Offensive”, người chơi sẽ cần cố gắng bắn đối thủ càng nhanh, càng nhiều, càng tốt. Trong khi đó, với Liên Minh Huyền thoại, họ sẽ cần kết hợp sức mạnh tập thể để xâm chiếm căn cứ của đối thủ.

Với sự gia tăng của các nền tảng phát trực tiếp, eSports đã ngày càng trở nên phổ biến. Đồng thời, nó cũng thu về được nhiều lợi nhuận hơn. Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Newzoo, doanh thu toàn cầu từ eSports dự kiến tăng 26% từ mức 1,1 tỷ USD vào năm 2019 lên thành 1,8 tỷ USD năm 2020.

Newzoo cũng cho biết có khoảng 198 triệu người quan tâm đến eSports trên toàn thế giới. Trong đó, có khoảng 75 triệu người đến từ Trung Quốc. Ngày càng nhiều người trẻ tại quốc gia này có ước mơ trở thành vận động viên eSports chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chỉ một số ít trong đó đạt được thành công.

Làm 14h/ngày, 7 ngày/tuần

Tại trụ sở của RNG, các game thủ vẫn đang miệt mài chuẩn bị cho giải vô địch Liên Minh Huyền Thoại thế giới. Tầng hầm là nơi mà nhóm luyện tập. Ở đây có đầy đủ trang thiết bị chơi game chuyên dụng, một số món đồ kỷ niệm cá nhân hoặc giải thưởng.

Giống như bất kỳ chàng trai trẻ nào khác, các game thủ của RNG có thể thoải mái vui vẻ, cười đùa với nhau trong giờ ăn trưa hoặc lúc tập thể dục. Tuy nhiên, khi ngồi xuống máy tính, khuôn mặt họ lập tức trở nên nhăn nhó và nghiêm túc.

Cuộc sống của VĐV eSport - làm 14h/ngày, về hưu sớm - Hình 3

RNG thi đấu tại vòng bảng giải Liên Minh Huyền Thoại thế giới diễn ra tại Đức vào tháng 10.

Bi là người lên lịch trình làm việc hàng ngày cho các game thủ. Họ luyện tập 14h/ngày và 7 ngày/tuần. Họ thức dậy lúc 1h chiều và luyện tập các kỹ năng cá nhân, sau đó có thể tham gia các trận chiến đồng đội đến 5h chiều.

“Sau đó là bữa tối. Tiếp đến, họ đi dạo, tập thể dục và tắm. Họ bắt đầu tập luyện trở lại vào lúc 7h tối và có thể thi đấu với các đội khác đến 11h đêm. Cuối cùng, họ tiếp tục luyện tập đến 4h sáng rồi nghỉ ngơi”, cô nói.

Khi được hỏi vì sao họ lại luyện tập vào thời gian khuya như vậy, Bi cho biết đó là phương pháp của tất cả người chơi chuyên nghiệp. “Mọi người thường làm việc và nghỉ ngơi như vậy”, cô nói.

Có một bác sĩ và nhà vật lý trị liệu tại chỗ luôn theo dõi sức khỏe của các game thủ, yêu cầu họ đi bộ ra ngoài ít nhất một lần trong ngày để tập thể dục. Đó là một lịch trình nghiêm ngặt và Bi thừa nhận rằng không phải ai cũng có thể chịu được điều này.

Bi không tiết lộ mức lương của các thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, cô nói rằng bên cạnh số tiền thắng được khi thi đấu giải, các game thủ cũng nhận được mức lương khá cao.

Cuộc sống của VĐV eSport - làm 14h/ngày, về hưu sớm - Hình 4

Cuộc sống của VĐV eSport - làm 14h/ngày, về hưu sớm - Hình 4

Những người hâm mộ cổ vũ cho Invictus Gaming trong giải đấu Liên Minh Huyền Thoại thế giới vào năm 2018.

Những vận động viên thể thao điện tử cũng “nghỉ hưu” khá sớm. Bi cho biết hầu hết vận động viên eSports tại Trung Quốc đều dưới 22 tuổi. Tuy nhiên, do công việc căng thẳng, khắt khe, nhiều người đã chọn cách nghỉ hưu từ tuổi 24. “Một người 24 tuổi bị xem là quá già để trở thành một game thủ thi đấu chuyên nghiệp”, cô nói.

Bên cạnh đó, sự nghiệp của họ cũng có thể bị thay đổi nhanh chóng. Khi một trò chơi rơi vào tình trạng lỗi thời, không còn nhận được sự quan tâm từ người xem, sự nghiệp của các game thủ giỏi nhất cũng có thể tan biến trong một đêm.

“Chúng tôi luôn cố gắng luyện tập cho các vận động viên eSports của mình chơi được nhiều tựa game khác nhau và cập nhật các trò chơi mới, để họ kịp thích nghi với sự thay đổi. Nếu không thể thay đổi, họ sẽ thất bại và điều đó vô cùng tồi tệ”, Bi nói.

“Bạn sẽ bị thay thế”

Ởtuổi 23, vận động viên eSports chuyên nghiệp Yan Junze đã nghỉ hưu. Anh bắt đầu sự nghiệp của mình từ năm 2014 và nhanh chóng được tham gia thi đấu tại RNG.

“Trước đây, việc chơi game chuyên nghiệp không được phát triển. Mọi người đều tỏ ra nghi ngờ về nó. Những người tham gia eSports thường không nói cho gia đình họ biết”, anh nói.

“Ngày nay, nhiều người trẻ muốn thử và cha mẹ của họ đã ủng hộ hơn”.

Cuộc sống của VĐV eSport - làm 14h/ngày, về hưu sớm - Hình 6

FunPlus Phoenix vô địch tại giải Liên Minh Huyền Thoại thế giới 2019 diễn ra vào tháng 11 tại Pháp.

Yan không cho biết lý do vì sao anh nghỉ hưu sớm. Anh nói rằng đó là một “lựa chọn cá nhân”. Tuy nhiên, anh vẫn tham gia bình luận tại các giải đấu bên cạnh công việc chính là một nhà thiết kế thời trang.

Tuy nhiên, anh cũng cho biết bản thân bị chấn thương khá nhiều về thể chất do các khóa đào tạo chuyên sâu mà anh đã trải qua khi còn là một game thủ. Nhiều người chơi khác cũng bị tổn thương ở phần đầu và cổ.

“Công việc này không hoàn hảo như bạn nghĩ. Nếu bạn không nổi tiếng, bạn sẽ lạc lối. Bạn sẽ không biết cần phải làm gì. Bạn có thể chọn một nghề nghiệp khác sau đó, những vẫn mang theo nhiều chấn thương cho cơ thể”, anh nói.

Yan cho biết với những người chơi chuyên nghiệp không nổi tiếng khi họ ngừng thi đấu, họ sẽ khó kiếm được các công việc như bình luận viên.

“Bạn sẽ sớm bị lãng quên. Nếu bạn không nổi tiếng hoặc bạn không có bất cứ thành tích nào nổi bật, bạn sẽ bị thay thế”, anh nói.

Theo Zing

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button