Cẩm nang du lịch

Các địa điểm tâm linh ở Côn Đảo

Côn Đảo không chỉ nổi tiếng vì vẻ đẹp hoang sơ của thiên đường biển xanh cát vàng, mà nơi đây còn là minh chứng cho một thời oanh liệt của lịch sử hào hùng của ông cha ta ngày trước. Không những vậy, các điểm tâm linh ở Côn Đảo là nơi chứa đựng niềm tin, nguyện ước của người dân trên đảo và cả du khách khắp nơi tìm đến thăm viếng và cầu mong những điều tốt đẹp.

1. Nghĩa trang Hàng Dương – Anh Hùng Liệt Sĩ Võ Thị Sáu

“Nhưng hỡi ai ơi

Hãy tin vào điều ấy

Linh hồn chị chết trẻ

Nên thiêng đến tột cùng”.

Những địa điểm tâm linh ở Côn Đảo – Nguồn ảnh: Internet

Nhắc đến các điểm tâm linh ở Côn Đảo, có lẽ chúng ta nghĩ đến ngay mộ anh hùng Võ Thị Sáu ở nghĩa trang Hàng Dương. Đây là ngôi mộ nổi tiếng linh thiêng, nằm ngay dưới một gốc cây Dương mất ngọn, cành cây hướng về phía Bắc, vào thời gian đầu vẫn chia có bia khắc tên tuổi, chỉ có duy nhất một tấm tôn ghi lại số tù.

Thời gian thấm thoát trôi qua, nhiều người đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu nhiều hơn, bia đá cũng được hình thành “Mộ đã có tên, tuổi cũng được thấy, xuất xứ cũng rõ ràng, du khách trên thế giới sẽ không còn bị ngỡ ngàng nếu muốn tìm hiểu về chị”.

Mộ anh hùng Võ Thị Sáu ở nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo - Nguồn ảnh: Internet

Mộ anh hùng Võ Thị Sáu ở nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo – Nguồn ảnh: Internet

Khác với một số địa điểm tâm linh ở Côn Đảo, người dân nơi đây truyền tai nhau rằng viếng mộ cô Sáu vào lúc nửa đêm, khung giờ Tý rất linh thiêng. Vì thế, bạn không cần lo lắng về việc đi lễ lúc 12 giờ đêm vì thời điểm này nghĩa trang rất đông người đến viếng.

Du khách cũng tin rằng, chỉ cần thành tâm khấn vái, cầu nguyện ở mộ Cô Sáu thì điều ước sẽ thành sự thật. Đặc biệt nhiều người thường tìm đến cầu mong về tình duyên, làm ăn.

Về đồ lễ viếng mộ chị Võ Thị Sáu, bạn nên chuẩn bị trước, có thể tìm đến những cửa hàng tại chuyên bán đồ lễ vì tại nghĩa trang không có hàng phục vụ bán đồ lễ. Đặc biệt đồ lễ không thể thiếu là gương, lược, nếu có hoa tươi thì càng tốt nhưng bạn nên chọn hoa trắng.

Rất đông du khách đến viếng mộ Chị Võ Thị Sáu vào ban đêm - Nguồn ảnh: Internet

Rất đông du khách đến viếng mộ Chị Võ Thị Sáu vào ban đêm – Nguồn ảnh: Internet

Nếu bạn chưa từng đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu, bạn có thể đi theo hướng dẫn trước tiên cúng ở Đài tưởng niệm nghĩa trang Hàng Dương, làm lễ chính cho toàn bộ liệt sĩ tại đây rồi đi lần lượt đến các khu mộ A-B-C-D để viếng mộ các chiến sĩ cách mạng trong nghĩa trang.

Trường hợp có nhiều đồ lễ, du khách nên đến sớm để bày biện. Vào thời điểm buổi tối rất đông người đến viếng, nhưng cần lưu ý hãy kiên nhẫn chờ đến lượt, tránh chen lấn, xô đẩy ở nơi tôn nghiêm. Về đồ lễ du khách thường không đem về, nếu cẩn thận hơn bạn có thể chuẩn bị thêm 1 nhánh tỏi bỏ túi cho yên tâm.

Nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo - Nguồn ảnh: internet

Nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo – Nguồn ảnh: internet

2. Nghĩa Trang Hàng Keo

“Côn Lôn đi dễ khó về

Sống nương núi Chúa, thác về Hàng Keo”

Sự nổi tiếng của nghĩa trang Hàng Keo đã đi vào thơ ca và được truyền tải một cách ai oán bi thương, câu nói “đi Hàng Keo” là lối nói của người tù khi tiễn những người đồng đội của mình về nơi an nghỉ cuối cùng còn được lưu truyền đến ngày nay.

Nghĩa trang Hàng Keo có tổng diện tích 80.000 m2, vào đầu thế kỷ XX cho đến những năm 1940 – 1941 còn được gọi là giai đoạn khủng bố trắng, nơi đây là nơi chôn vùi khoảng 10.000 tù nhân do thực dân Pháp giết hại ở nhà tù Côn Đảo.

Nghĩa trang Hàng Keo là địa điểm tâm linh nổi tiếng ở Côn Đảo - Nguồn ảnh: Internet

Nghĩa trang Hàng Keo là địa điểm tâm linh nổi tiếng ở Côn Đảo – Nguồn ảnh: Internet

Nghĩa trang Hàng Keo nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, là nơi du khách đến thăm quan và thắp nén hương thể hiện lòng thành kính cùng với nghĩa trang Hàng Keo. Ngày này, nghĩa trang không còn cây keo nữa mà được thay thế bằng những hàng dương lâu năm dường như bao trùm toàn bộ diện tích ở khu nghĩa trang.

Sau khi nghĩa trang Hàng Keo hết chỗ, vào năm 1997 chính quyền đã di dời một số phần mộ sang nghĩa trang Hàng Dương thuộc khu D. Hiện tại, ở nghĩa trang Hàng Keo đa phần là rừng cây tự nhiên và hài cốt của những tù nhân nằm dưới lòng đất chưa được tìm thấy, nơi đây có tấm bia ghi lại những trang sử đau thương nhưng đầy hào hùng của dân tộc.

3. Miếu Bà Phi Yến

Bên cạnh mộ anh hùng Võ Thị Sáu thì địa điểm linh thiêng ở Côn Đảo không thể bỏ qua tiếp theo là miếu Bà Phi Yến, đây là nơi người dân Côn Đảo thờ cúng, thể hiện sự thành kính, ngưỡng của người phụ nữ tài sắc, đức hạnh nhưng đầy bi thương là bà chúa Hoàng Phi Yến.

Miếu Bà Phi Yến kể về giai thoại của người phụ nữ tài sắc những đầy bi thương - Nguồn ảnh: internet

Miếu Bà Phi Yến kể về giai thoại của người phụ nữ tài sắc những đầy bi thương – Nguồn ảnh: internet

Bà Chúa Hoàng Phi Yến là vợ của vua Nguyễn Ánh. Vào thời gian trước khi vua định mời Pháp đến chống lại quân Tây Sơn, bà đã không ngại nguy hiểm can ngăn: “không nên cõng rắn cắn gà nhà”. Chính điều này đã khiến cho vua tức giận giam bà trên một hòn đảo hoang vắng, nay được gọi là hòn Bà.

Khi quân Tây Sơn gần ra đến đảo, trong lúc chạy loạn hoàng tử Cải khóc nhớ mẹ, nhà vua tức giận ném con xuống biển. Xác hoàng tử dạt vào bờ biển, được người dân chôn cất và lập đền thờ. Bà Phi Yến sau khi được cứu thoát, người dân giúp bà dựng nhà ngay cạnh mộ hoàng tử để chăm nom.

Thời gian sau, trong một lần đi lễ hội làng, vì nhan sắc bà quá xinh đẹp liền bị một kẻ xấu nhòm ngó, nhưng khi hắn mới chạm vào tay bà đã hô hoán để người dân bắt lại. Tiếp đến bà chặt đứt cánh tay ô uế của kẻ đó. Nhưng về sau vì quá uất ức, bà đã chọn cách kết liễu cuộc đời mình để vẹn toàn trinh tiết ở tuổi 25.

Đền thờ bà Phi Yến còn có tên gọi khác là An Sơn Miếu, người ta tin rằng bà đã hiển thánh và thường hiện về để mách bảo cho người dân nơi đây biết được những điềm lành, dữ trong tương lai để có sự đề phòng.

Chính vì thế, miếu bà Phi Yến không lúc nào vắng bóng người đến viếng, luôn nghi ngút khói hương. Theo người dân ở đây cho biết, du khách nhiều nơi tìm đến miếu bà Phi Yến thường cầu mong bình an, tài lộc.

Miếu bà Phi Yến ở Côn Đảo - Nguồn ảnh: Internet

Miếu bà Phi Yến ở Côn Đảo – Nguồn ảnh: Internet

4. Chùa Núi Một Côn Đảo

Chùa Núi Một hay còn gọi là Vân Sơn Tự, đây là ngôi chùa duy nhất tại Côn Đảo có tổng diện tích quần thể khu di tích là 19.434 m, do Mỹ ngụy xây dựng vào năm 1964 với mục đích ban đầu là phục vụ cho tín ngưỡng tâm linh của những gia đình có người làm việc trong bộ máy hành chính, cùng các quan chức binh sĩ trên đảo.

Cho đến ngày nay, chùa Núi Một không chỉ là công trình văn hóa, di tích lịch sử mà còn là nơi để người dân Côn Đảo và người du khách nhiều nơi tìm về hành hương, cầu nguyện. Không những vậy, nơi đây như một góc nhìn lịch sử về một thời hào hùng, là nơi tưởng nhớ công ơn của những vị anh hùng dân tộc đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ Quốc.

Chùa Núi Một là địa điểm du lịch tâm linh thu hút rất nhiều du khách ghé thăm - Nguồn ảnh: Internet

Chùa Núi Một là địa điểm du lịch tâm linh thu hút rất nhiều du khách ghé thăm – Nguồn ảnh: Internet

Vân Sơn Tự có lõi kiến trúc mang đậm nét Phật giáo Á Đông, dù không gian không lớn, bên trong chánh điện thờ Phật và các chư vị bồ tát nổi tiếng linh thiêng.

Bên cạnh đó, với vị trí đắc địa tại núi Một, đứng từ chùa du khách có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm cảnh từ trên cao vô cùng tuyệt vời. Còn gì thú vị hơn cảm giác hòa mình giữa phong cảnh rừng núi bạt ngàn, xa xa là vịnh Côn Sơn trong xanh nằm ở phía đông, thấp thoáng hình ảnh những ngôi nhà bình yên trong từng hơi thở.

5. Miếu Cô Vân

Sự tích về Cô Vân được người dân truyền tai nhau qua nhiều thế hệ nên không còn xác định rõ về thời gian, chỉ biết rằng Cô Vân mát trên biển.

Có người kể lại rằng, khi xác Cô vân được phát hiện thì giấy tờ tùy thân của cô đã bị nước làm cho nhoè đi, chỉ duy nhất chữ “Vân” có thể đọc rõ nên gọi là miếu Cô Vân. Cũng có người khác kể lại khi phát hiện ra xác Cô trên Hòn Cau thì lúc này chỉ còn lại bộ xương trắng, nên các ngư dân đã chôn cất và lập mộ ngay tại Hòn Cau.

Trong những lần đánh cá khi đi ngang qua địa điểm này, nhiều người thấy một người con gái mặc đồ trắng lướt đi nhẹ nhàng qua những sườn đá dốc, xung quanh đó lại có sương mù bao phủ tự như những áng mây nên gọi là Vân, hay cô Vân do Vân có nghĩa là Mây.

Sau này, khi có dịp đánh bắt cá ngang qua đây, người dân hay ghé lại miếu Cô Vân để cầu cho cuộc sống thoát khỏi nghèo khó, tài lộc rộng mở. Theo nhiều người kể lại rằng, họ đi qua cúng Cô Vân và được Cô ban lộc nên về sau nhiều người thường đến đây chỉ cầu xin về tiền tài.

Miếu Cô Vân ở Hòn Cau - Nguồn ảnh: Internet

Miếu Cô Vân ở Hòn Cau – Nguồn ảnh: Internet

6. Miếu Năm Cô

Miếu Năm Cô hay còn gọi là Miếu Ngũ Hành, đây là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nằm ở phía Nam Côn Đảo, nơi thờ “Ngũ Hành nương nương”.

“Ngũ Hành nương nương” chính là sự tượng trưng của năm vị nữ thần nắm giữ quyền năng phi phàm tương ứng với Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ là năm yếu tố cội nguồn hình thành nên nghề nghiệp trong cuộc sống của người dân trên đảo, cũng là thể hiện nguồn năng lượng siêu nhiên đem lại may mắn, bảo vệ cuộc sống bình an và dẫn dắt những người thợ thủ công trên đảo.

Miếu Năm Cô được người dân Côn Đảo tôn thờ cầu mong may mắn, bình an - Nguồn ảnh: Internet

Miếu Năm Cô được người dân Côn Đảo tôn thờ cầu mong may mắn, bình an – Nguồn ảnh: Internet

7. Những lưu ý khi du lịch tâm linh ở Côn Đảo

Từ lâu, Côn Đảo đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút du khách nhiều nơi tìm về thăm viếng. Cũng chính vì lý do nơi đây là địa điểm linh thiêng nên có một số vấn đề du khách cần đặc biệt chú ý như:

  • Đến những nơi tôn nghiêm cần hạn chế đùa giỡn, ăn nói bậy bạ kể cả trong suy nghĩ cũng không nên. Cần tịnh tâm, chú ý lời nói chuẩn mực.
  • Vì một số địa điểm tâm linh ở Côn Đảo có rất đông du khách tìm đến, nên đôi khi khó tránh khỏi cảnh đông đúc, du khách nên kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt để hành hương theo trật tự, tránh chen lấn, phá vỡ sự trang nghiêm.
  • Về trang phục cũng là một vấn đề cần lưu ý, bên cạnh một số nơi có quy định trang phục lịch sự thì du khách cũng cần chủ động chọn quần áo kín đáo, dài qua gối, không hở hang tránh làm mất mỹ quan và ảnh hưởng đến nơi trang nghiêm có thể gây ảnh hưởng đến bản thân.
  • Về đồ lễ, du khách nên chuẩn bị trước, có thể nhờ sự tư vấn của một số nơi bán để chuẩn bị cho đầy đủ và chu đáo. Nếu không chuẩn bị sẵn văn khấn thì bạn chỉ cần thành tâm khấn vái, nêu rõ họ tên, nơi ở là được. Bên cạnh đó, nếu xin được linh nghiệm và hứa trả lễ bạn nên thực hiện đúng lời hứa của mình.

Tín ngưỡng tâm linh từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong truyền thông của người dân Việt Nam và đặc biệt là người dân trên ở Côn Đảo. Tìm đến các điểm tâm linh ở Côn Đảo không chỉ là dịp bạn có thể gửi gắm những nguyện cầu tốt đẹp, mong cho gia đạo bình an, mọi chuyện thuận lợi mà còn là cách bày tỏ lòng thành kính với những vị anh hùng dân tộc đã nằm xuống nơi đây để bảo vệ sự bình yên, độc lập dân tộc.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button