Game PC

10 thiết bị chơi game hiện đại nhưng “hại điện” của Nintendo – P2

Tin hay không thì tùy nhưng Nintendo là công ty đầu tiên đưa ra khái niệm gần giống với VR game ngày nay. Tuy nhiên, vào thời điểm mà công nghệ và phần cứng chưa đủ khả năng theo kịp sự sáng tạo thì ý tưởng tuyệt vời và xuất chúng nhất lại trở thành thảm họa.

6 – Virtual Boy (thực tế ảo)

Gunpei Yokoi – người tạo ra tay cầm “bốn nút” huyền thoại và hệ máy Gameboy là người đưa ra ý tưởng về một thiết bị chơi game 3D “xịn” với tay cầm điều khiển kết nối với màn hình có thể mang trên đầu như đeo mắt kính vậy. Nó trông rất gọn nhẹ và linh hoạt nhưng muốn dùng được thì phải đặt cố định trên bàn hay đâu đó tương tự.

Đến khi thành phẩm, Virtual Boy lại trông khá là kì dị với màn hình đơn sắc và gây cảm giác chóng mặt nếu chơi quá lâu. Thiết bị này bị ngừng bán sau gần một năm làm “bom xịt” và ế chổng chê trên kệ.

Wii-U không phải là cố gắng đầu tiên mà Nintendo từng thử để mang đến trải nghiệm chơi game hai màn hình đến với fan. Quên mất, trước đó còn có DS nữa mà. Nhưng không nói đến làm gì khi mà cái tên bên trên là một thành công vang dội cho “Lão Làng” xứ Mặt Trời Mọc. Riêng cái GameCube – Gameboy Advance Link Cable này thì ngược lại, là một thất bại khá “thốn” trong lịch sử sản xuất thiết bị ngoại vi của Nintendo.

Năm 2001, một cọng cáp trông rất bền chắc, có khi bền hơn cọng “bún dưới biển” được cho lên kệ hàng với mục đích là kết nối Gameboy Advance với GameCube và dùng chiếc máy GBA như một tay cầm điều khiển phụ và màn hình để hiện map. Nghe cứ như ông tổ của Wii U và Switch đúng không?

Hầu hết tựa game hỗ trợ tính năng này dùng GBA chỉ để hiển thị bản đồ hoặc chuyển đổi dữ liệu từ GBA sang GameCube, chả mấy khi đá động gì đến việc GBA cũng có vài nút bấm để… à mà thôi. Và sau đó, Final Fantasy: Crystal Chronicles, một tựa game FF có tính năng chơi nhiều người (Multi Player) đòi mỗi người phải có thêm một cái GBA và cọng cáp trên cho mỗi người chơi.

Khỏi phải nói là chẳng mấy ai thèm mua cái mớ dây nhợ lằng nhằng trên chỉ để chơi một tựa Final Fantasy lạ hoắc. Nó cũng là tựa FF đầu tiên trở lại sau 10 năm vắng bóng của dòng game này trên nền tảng Nintendo. Tại sao phải mua thêm một thiết bị chơi game rườm rà cho một tựa game chẳng quen thuộc với cộng đồng Nintendo?

8 – GameCube Broadband Adapter

Nintendo với những chiếc máy chơi game và những tựa game không mấy ưu ai lắm đối với chế độ chơi mạng tính tới thời điểm mà GameCube ra mắt chứng minh một điều rõ ràng rằng họ chưa sẵn sàng cho điều đó. Nhưng GameCube Broadband Adapter lại là một bước đi cho thấy hãng sản xuất thiết bị chơi game này thích mạo hiểm (hoặc liều lĩnh) như thế nào đối với thị trường game chơi mạng.

Thiết bị ngoại vi này được trình làng cùng thời điểm mà Phantasy Star Online của SEGA được phát hành. So với mấy gã “to béo” và có hàng năm trời kinh nghiệm trong việc phát hành những tựa game có chế độ chơi mạng thu hút hàng triệu người dùng thì đúng là kèo lãi to nếu có thể kéo người chơi về phe mình chỉ với một “cục nhựa” màu đen.

Cục nhựa đó có tên GameCube Broadband Adapter và được gắn thêm vào chiếc máy GameCube như một card mạng bổ sung. Mặt trái của thiết bị chơi game “gá ghép gấp gáp” này bộc lộ khi hacker tìm ra lỗ hổng bảo mật trong phiên bản Phantasy Star Online của GameCube. Họ nhanh chóng kết nối chiếc máy chơi game vào PC để hack cả cái GameCube và sao chép lậu cả tá tựa game cùng với Phantasy Star Online rồi phát tán đi khắp nơi.

9 – Wii Vitality Sensor 

Chiếc máy Wii vốn nổi tiếng kỳ cục cùng mớ phụ kiện rườm rà của mình đơn cử như cái remote điều khiển nunchuk của nó trông dị dị như một cái cần câu cá vậy. Cơ mà, so với mẫu thiết bị chơi game giống hệt như cái kẹp quần áo gắn vào ngón tay bạn như thế này thì phải nói là “độc nhất vô nhị” từ trước tới nay.

Wii Vitality Sensor được giới thiệu lần đầu tiên tại hội chơ E3 2009 và công dụng là sẽ ghi nhận mạch của bạn khi chơi những tựa game thể thao và có những phản ứng thích hợp giúp điều khiển trò chơi. Bạn đọc nào từng nằm viện hoặc khám sức khỏe có phần đo nhịp tim chắc biết cái kẹp kinh khủng đó ám ảnh cỡ nào.

Nintendo hứa hẹn sẽ cho fan thấy cách mà nó hoạt động như thế nào đối với những tựa game chạy trên Wii-U vào năm 2010 nhưng nó lại bị hủy bỏ vào năm 2013 vì lý do kỹ thuật.

10 – Wii-U

Hệ máy Wii đã chứng minh rằng mình là kẻ đi đầu trong việc thay đổi cách mà người dùng chơi và trải nghiệm một tựa game. Nó cũng cho thấy rằng người chơi phổ thông muốn ngồi thoải mái trên sofa và tận hưởng trò chơi yêu thích ngay trước mặt. Nhưng Wii-U lại khiến cho Nintendo sa vào con đường “quảng cáo chất hơn hàng thật”, tật xấu của ông bạn Ubisoft khi trình diễn trailer chứ đâu.

Vào thời điểm mà trên thị trường bắt đầu xuất hiện những thế hệ máy chơi game tiếp theo, Nintendo lúc này không muốn chỉ đơn giản là làm ra một chiếc console với vài cải tiến về giao diện điều khiển và cảm biến chuyển động mới.

Thế là Wii-U ra đời với một tay cầm điều khiển có… nguyên một cái màn hình màu ở giữa (như Gameboy) và một thùng máy tách biệt để kết nối với màn hình TV và chạy game. Và vấn đề là có hai chiếc màn hình gần như ngay cạnh nhau trong tầm nhìn của người dùng rất thành công trên DS nhưng lại lố bịch với Wii-U. Việc đảo mắt qua lại giữa hai màn hình hiển thị trên cùng 1 thiết bị như DS thì dễ, nhưng nhìn lên tay rồi lại ngó lên TV lặp lại liên tục thì chả có gì gọi là thoải mái và thú vị cho trải nghiệm chơi game cả.

Không có thị trường nào là miền đất hứa cho chiếc console thế hệ thứ 8 của Nintendo cả và sau khi kẻ kế vị Switch ra mắt thì người ta hoàn toàn không còn ý định mua Wii U nữa. Doanh số 15 triệu máy bán ra trong năm năm, ít hơn lượng máy PS4 bán ra trong một năm là chứng cứ hết sức rõ ràng cho thất bại này của họ.

Kết

Như vậy chúng ta đã chứng kiến những thiết bị chơi game khiến Nintendo phải thất vọng vì công trình tim óc của mình không mang đến thành công. Tuy vậy bên cạnh những thất bại đó, họ vẫn có những cuộc cách mạng đáng ghi danh sử sách như ý tưởng về cảm ứng chuyển động trên Wii hay hồi sinh thành công ý tưởng pha trộn giữa máy cầm tay và console với Switch. Cho đến nay, có thể nói Nintendo là nhà sản xuất thiết bị chơi game có sức sáng tạo mạnh nhất trên thị trường game. Ít ra những thất bại đó đã mang đến những kinh nghiệm quý cho thành công sau này.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button