Game PC

Phil Spencer kêu gọi ngành trò chơi nên tiếp nhận các phần mềm giả lập

Phil Spencer của Microsoft đã ủng hộ các phần mềm giả lập trò chơi và tin rằng ngành game cần tiếp nhận nó vì lợi ích của việc bảo tồn.

Phil Spencer, phó chủ tịch điều hành mảng trò chơi của Microsoft đã ủng hộ các phần mềm giả lập.

Giả lập vẫn là một chủ đề nóng hay được đem ra bàn luận trong cộng đồng game thủ. Đối với nhiều người, đây được coi là thứ cần thiết để chơi một số trò chơi điện tử nhất định chưa từng được phát hành trên toàn thế giới hay không còn được phân phối rộng rãi nữa. Trong khi với một số người khác, nó bị coi là một hành động không khác gì hành vi vi phạm bản quyền. Đặc biệt là Nintendo khá kỳ thị giả lập và thường tích cực tấn công các trang web lưu trữ ROM các trò chơi của hãng và buộc họ phải đóng cửa, ngay cả khi các trang web đó không hề thành lập với mục đích kiếm tiền. Dù vậy, Phil Spencer của Xbox lại tin rằng giả lập vừa là một thứ cực kỳ quan trọng vừa là thứ mà bản thân ngành công nghiệp trò chơi nên nắm bắt tiếp nhận.

Nói chuyện với Axios, Phil Spencer, phó chủ tịch điều hành mảng trò chơi của Microsoft đã ủng hộ các phần mềm giả lập, điều mà các nền tảng console hiện đại của Microsoft như Xbox One và Xbox Series X / S đã làm. Nhiều trò chơi Xbox và Xbox 360 đã có thể chơi được thông qua các nền tảng console mới này nhờ tính năng giả lập, và Microsoft gần đây đã bổ sung một loạt các tựa game cuối cùng trên các nền tảng Xbox cũ cho các game thủ thưởng thức.

Hy vọng của Spencer là ngành công nghiệp trò chơi có thể tiếp nhận và đầu tư hơn vào lĩnh vực “giả lập hợp pháp,” về cơ bản là cho phép các nền tảng console hiện đại chạy được các trò chơi cũ hơn. Anh cũng tin rằng việc bảo tồn lưu trữ các trò chơi là quan trọng, bởi nhiều trò chơi gần như không thể chơi được bằng các phương pháp hợp pháp được nữa vì các nền tảng console của các tựa game đó đã không còn được hỗ trợ. Bảo tồn trò chơi đã trở thành một chủ đề được thảo luận sôi nổi, đặc biệt là khi ngành công nghiệp trò chơi đang hướng tới một tương lai tập trung hoàn toàn vào lưu trữ kỹ thuật số.

Hy vọng của Spencer là ngành công nghiệp trò chơi có thể tiếp nhận và đầu tư hơn vào lĩnh vực “giả lập hợp pháp.”

Ví dụ, khi Sony đưa ra thông báo sẽ đóng cửa các cửa hàng kỹ thuật số của PlayStation 3, PlayStation Portable và PlayStation Vita, nhiều người đã hoang mang vì điều đó có nghĩa là rất nhiều game sẽ biến thành không thể chơi được nữa. Phản ứng của các game thủ dữ dội và mạnh mẽ đến mức Sony đã phải rút lại ý định đóng cửa ít nhất là đối với các cửa hàng PS3 và Vita.

Microsoft không phải là công ty duy nhất sử dụng tính năng giả lập, chính Nintendo cũng đã sử dụng tính năng giả lập để các trò chơi Nintendo 64 có thể chạy được trên Nintendo Switch. Dù vậy, “giả lập hợp pháp” vẫn là thứ khó có thể thành hiện thực vì còn nhiều vấn đề bất cập. Ví dụ như các trò chơi N64 nói trên đã bị cộng đồng game thủ chỉ trích vì hiệu suất không ổn định và các vấn đề kỹ thuật khác, nhiều người thậm chí còn cho rằng những tựa game đó chơi được tốt hơn trên các trình giả lập không chính thức mà Nintendo coi là “phạm pháp”. Ngoài ra nếu Nintendo muốn đem các tựa game cũ lên giả lập chính thức của mình thì còn phải có sự cấp phép của chủ sở hữu trò chơi gốc, một điều khá khó thực hiện khi mà nhiều nhà phát triển xưa kia đã phá sản hoặc không còn tồn tại. Việc Microsoft quyết định không thêm các trò chơi Xbox cũ vào các nền tảng console mới thông qua khả năng tương thích ngược cũng là do các vấn đề về quyền và giấy phép như thế.

Bất chấp những vấn đề trên, Spencer tin rằng giả lập là con đường tốt nhất cho tương lai ngành game phía trước, rằng nếu bất kỳ ai cũng có thể mua hoặc sở hữu bất kỳ trò chơi nào bản thân muốn, đó sẽ là một thời kỳ “Sao Bắc Đẩu” cho ngành công nghiệp trò chơi. Giám đốc điều hành của Xbox cũng không phải là người duy nhất ủng hộ giả lập, nhà sử học trò chơi Frank Cifaldi cũng nói với Axios rằng giả lập là con đường tốt nhất để phát hành lại các trò chơi của các nền tảng console hiện đã chết, đây chỉ đơn giản không phải là một giải pháp khả thi về mặt thương mại và không được các công ty ưa chuộng vì khó kiếm tiền từ nó mà thôi.

Xem thêm: Pragmata đưa ra thông báo trì hoãn đến năm 2023 

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button