Lịch Sử

Đền Đông Đô Quảng Hội – Thiên Hậu Cung – TP Hưng Yên

Hiện nay Đền Đông Đô Quảng HộiThiên Hậu Cung được xây dựng tại trung tâm phố Hiến Hạ khi xưa, nay thuộc khu phố Mậu Dương, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên. Nơi đây là minh chứng cho thời kỳ phát triển hưng thịnh của mảnh đất Phố Hiến nổi tiếng với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Đền Đông Đô Quảng Hội là nơi hội họp của các thương nhân nước ngoài để mua bán, hợp đồng xuất nhập khẩu, định giá hàng hoá, điều hành các thương vụ ở Phố Hiến thế kỷ XVI – XVII, đồng thời đây cũng là trụ sở giao tiếp của người đồng hương Trung Hoa. Ngoài ra, Đông Đô Quảng HộiThiên Hậu Cung nơi đây còn tôn thờ Tam Thánh là: Thần Thái y có công cứu nhân độ thế và dạy dân trồng các dược liệu quý làm thuốc chữa bệnh, Thần Hoa Quang dạy dân làm các nghề thủ công và Thần Nông dạy dân làm ruộng, trồng trọt và chăn nuôi.

Phía bên trái Đông Đô Quảng HộiThiên Hậu Cung, thờ bà Lâm Tức Mặc, người làng Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Bà là vị thần biển của người Hoa, có lòng nhân đức cứu giúp dân lành, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Bà được tôn vinh là thần Hàng Hải, được người dân ca ngợi, kính cẩn lập đền, mở phủ nhiều nơi để tôn thờ.

Đông Đô Quảng Hội – Thiên Hậu cung cụm di tích được khởi dựng vào thế kỷ XVI (1590) trên khu đất rộng rãi, khoáng đạt. Toàn bộ nguyên vật liệu, đồ tế khí do 14 dòng họ thuộc ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến (Trung Quốc) quyên góp, vận chuyển sang bằng đường biển và được các thương nhân cùng người dân Phố Hiến cất dựng lên. Trải qua thời gian, với nhiều lần trùng tu, tôn tạo Đông Đô Quảng HộiThiên Hậu cung vẫn là công trình độc đáo giữ được nguyên nét kiến trúc Trung Hoa như lời Giáo sư Trần Lâm Biền đã nhận định: Đối với các hội quán có sự đóng góp của người Hoa, phải khẳng định rằng, cho tới nay không một hội quán nào có gốc Hoa ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước còn giữ được những bộ phận kiến trúc và nghệ thuật mang niên đại vào thế kỷ XVII – XVIII như của Hưng Yên – Đông Đô Quảng Hội.

Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu Cung
Đông Đô Quảng Hội – Thiên Hậu Cung

Hiện nay, Đông Đô Quảng HộiThiên Hậu Cung đều có bố cục tổng thể kết cấu kiến trúc kiểu chữ Công gồm 3 gian Tiền tế, 01 gian Thiên hương và 3 gian Hậu cung, kết cấu các bộ vì theo kiểu giá chiêng con nhị. Hiện tại, Đông Đô Quảng HộiThiên Hậu cung cụm di tích còn bảo lưu được kiến trúc tương đối đồng bộ, hài hòa, mang đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa đan xen với kiến trúc cổ truyền của người Việt. Đây là cụm di tích thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử Phố Hiến xưa.

Đông Đô Quảng HộiThiên Hậu cung còn lưu giữ nhiều đồ tế tự quý như: bát hương, bia đá, bát men Lam Ngọc thời Càn Long, đèn đồng thế kỉ XVII, bộ ngũ sự bằng đồng thau… cùng hệ thống câu đối, đại tự, ngai thờ có giá trị lịch sử và mỹ thuật cao.

Hàng năm, lễ hội tại Đông Đô Quảng HộiThiên Hậu Cung được tổ chức vào các ngày 23 tháng 3, ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch để kỷ niệm ngày sinh và ngày hoá của Thánh Mẫu Lâm Tức Mặc; ngày 10 tháng 10 âm lịch kỷ niệm ngày lễ đản của Tam Thánh đế. Đây là lễ hội mang sắc thái độc đáo riêng, là sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Trung Hoa với văn hóa Việt. Lễ vật được dâng lên là những món ăn truyền thống của người Hoa như: bánh Dong Câu, kẹo Sìu, bánh Rùa, bánh Tô Châu.

Từ những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và kiến trúc nghệ thuật còn hiện hữu, Đông Đô Quảng HộiThiên Hậu cung là một trong 16 di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là “Di tích lịch sử – văn hóa và kiến trúc nghệ thuật” cấp quốc gia đặc biệt năm 2014.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Check Also
Close
Back to top button