Lịch Sử

Di Tích Đền Mẫu – Chốn Linh Thiêng Nơi Phố Hiến TP Hưng Yên

Đền Mẫu có tên chữ là Hoa Dương Linh từ, là một thắng tích đẹp nằm uy nghi soi bóng bên Hồ Bán Nguyệt thơ mộng như một bức tranh phong cảnh hữu tình tại đường Bãi Sậy, phường Quang trung, thành Phố Hưng Yên.

Đền Mẫu thờ bà Dương Quý Phi triều Tống, Trung Quốc. Theo sử sách, vào thế kỷ XIII, đế quốc Nguyên – Mông xâm chiếm nước Tống. Triều đình Mạt Tống tan vỡ, vua quan phải chạy trốn ra đảo Nhai Sơn. Nhưng thế cùng lực kiệt không chống cự nổi sự truy đuổi tới cùng của quân Nguyên – Mông, vua Tống Đế Bính cùng quan quân, tam cung lục viện triều đình nhảy xuống biển tuẫn tiết. Sau nhiều ngày trôi dạt trên biển, thi hài bà Dương Quý Phi đã dạt vào vùng biển hạ lưu Đằng Giang, thuộc vùng đất Phố Hiến. Nhân dân địa phương đã đắp mộ và dựng ngôi miếu nhỏ thờ bà, mọi người đến thắp hương, cầu đảo đều rất linh ứng.

Cổng Đền Mẫu
Cổng Đền Mẫu

Theo “Đại Nam Nhất Thống Chí”: Đền Mẫu được xây dựng vào năm Tường Hưng thứ nhất (1279) với quy mô nhỏ. Đến đời vua Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ 2 (1294), nhà vua thân chinh đi đánh giặc Chiêm Thành qua đây thấy khung cảnh yên tĩnh, không gian thoáng đãng đã cho quân dừng lại. Đêm hôm đó, Thánh Mẫu đã ứng mộng phù trợ, giúp nhà vua đánh giặc Chiêm Thành. Thắng lợi trở về, nhà vua chiếu lệnh cho nhân dân địa phương và Quan Thái Giám họ Du tôn tạo ngôi đền khang trang, đẹp đẽ. Trải qua các triều đại, Đền Mẫu đều được trùng tu, tôn tạo và dấu ấn kiến trúc hiện nay mang đậm phong cách thời Nguyễn niên hiệu Thành Thái thứ 8 (1896) với tổng thể các hạng mục gồm: Nghi môn, Đại bái, Cung đệ Nhất, Cung đệ Nhị, Cung đệ Tam, Hậu cung, Phủ Đông, Phủ Tây, Lầu Cô, Các công trình đều được làm bằng gỗ lim, kết cấu các bộ vì kiểu chồng giường giá chiêng hoặc giá chiêng biến thể, chạm khắc hoa văn tinh xảo với nhiều đề tài như hoa dây, hổ phù, đao mác, chữ Thọ, hoa văn kỷ hà, tứ linh, tứ quý,… có giá trị mỹ thuật cao.

Đền Mẫu còn bảo lưu được nhiều cổ vật, đồ thờ quý rất có giá trị như: bộ long sàng, long kỷ, cỗ kiệu bát cống, thất cống tạo tác vào thời Hậu Lê còn khá nguyên vẹn, đường nét tinh xảo với các đề đài độc đáo. Ngoài ra, tại đền còn lưu giữ được đôi lọ lục bình men rạn thời Nguyễn, bức châm của tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (1896) và 15 đạo sắc phong từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn.

Đền Mẫu
Đền Mẫu

Ngay tại sân đền là sự hội tụ độc đáo của ba cây đa, sanh, si cổ thụ khoảng 800 năm, tạo nên một kỳ quan hùng vĩ và cổ kính bao trùm toàn bộ ngôi đền. Tương truyền, xưa kia trước cửa đền là cây bàng cổ thụ, chim chóc về đậu mang theo những hạt cây xanh, si, đa và bỏ lại trên thân cây bàng. Những hạt đó đã mọc thành cây và phát triển ngay trên thân bàng, dần dần rễ ba cây sanh, si, đa tìm xuống đất, bao trùm kín quanh thân cây bàng thành thế kiềng ba chân vững chắc. Và theo nhận định của nhà sử học Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng thì “Đây là cây đa cổ nhất vùng châu thổ Bắc Bộ”.

Sự hội tụ độc đáo của 3 cây đa, sanh, si tại sân Đền Mẫu
Sự hội tụ độc đáo của 3 cây đa, sanh, si tại sân Đền Mẫu

Hàng năm, lễ hội đền Mẫu diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch, nhằm tưởng nhớ ngày mất của Thánh mẫu. Hòa cùng lễ hội dân gian Phố Hiến, tại đây diễn ra nhiều hoạt động nhằm bảo lưu những giá trị truyền thống như: Tế lễ, rước kiệu, múa lân, múa rồng, rước nước, chọi gà, cờ tướng,… và nhiều trò chơi dân gian khác. Đây là dịp tập trung đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham dự, tạo nên bản sắc độc đáo của văn hóa Hưng Yên trong vùng châu thổ Bắc Bộ, tạo đà cho du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Lễ hội Đền Mẫu
Lễ hội Đền Mẫu

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử – văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, ngày 31 tháng 12 năm 2014 Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định xếp hạng đền Mẫu là một trong 16 di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, thành phố Hưng Yên.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button