Lịch Sử

Di sản tư liệu – giá trị quý báu cần được bảo tồn và phát huy

Đất nước Việt Nam ta có lịch sử văn hiến 4000 năm với niềm tự hào là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, địa phương đều có bản sắc, nét độc đáo riêng và có những di sản tư liệu riêng. Những di sản tư liệu đó là tấm gương phản ánh một cách khoa học, hệ thống về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, với thời gian và chiến tranh, rất nhiều di sản tư liệu đã bị biến mất và có nguy cơ bị biến mất. Việc sưu tầm, bảo tồn, truyền lại cho các thế hệ mai sau và phát huy các di sản tư liệu, giới thiệu cho bạn bè quốc tế ngày càng trở nên cấp thiết. Chính vì vậy, Việt Nam đã tham gia vào Chương trình Ký ức thế giới từ năm 2006 và thành lập Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức thế giới vào năm 2012. Việt Nam hiện nay có 07 di sản tư liệu, trong đó có 03 di sản thuộc cấp độ thế giới là Mộc bản Triều Nguyễn (2009); 82 Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê – Mạc 1442-1779 (2010); Châu Bản Triều Nguyễn (2017) và 04 di sản thuộc cấp độ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012); Mộc bản Trường học Phúc Giang (2016); Văn thơ kiến trúc cung đình Huế (2016); Hoàng hoa sứ Trình đồ (2018).

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm thường xuyên được vệ sinh, bảo quản (ảnh: Hồng Nhung)
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm thường xuyên được vệ sinh, bảo quản (ảnh: Hồng Nhung)

Tỉnh Bắc Giang là vùng đất Kinh Bắc xưa, nơi sơn thủy hữu tình với những làn điệu dân ca quan họ và ca trù say đắm lòng người; cũng là nơi hội tụ và kết tinh những giá trị độc đáo của các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới. Điển hình là di sản tư liệu Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2012 và khối tư liệu Mộc bản chùa Bổ Đà – được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017. Đây là những bộ mộc bản đã tồn tại qua hàng trăm năm, được san khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm, chứa đựng nhiều kiến thức mang giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ độc đáo của dân tộc Việt Nam. Nhờ đó mà trong thời gian qua, chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước tìm về tham quan, chiêm bái kho Mộc bản.

Mộc bản chùa Bổ Đà - Bảo vật Quốc gia (Ảnh: vov)
Mộc bản chùa Bổ Đà – Bảo vật Quốc gia (Ảnh: vov)

Để bảo tồn và phát huy Mộc bản chùa Vĩnh NghiêmMộc bản chùa Bổ Đà, các ngành liên quan và chính quyền địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm quảng bá, giới thiệu di sản cho khách tham quan đồng thời bảo quản tốt cho kho Mộc bản và ngôi chùa. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang hiện đang phối hợp với các huyện, đơn vị liên quan từng bước xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đệ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới, lập hồ sơ khoa học và pháp lý đề nghị tổ chức UNESCO công nhận Mộc bản kinh phật chùa Bổ Đà là di sản tư liệu khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tiến tới là di sản tư liệu thế giới.

Ngoài ra, để vừa bảo quản an toàn, kéo dài tuổi thọ tài liệu Mộc bản, vừa phục vụ tốt nhu cầu chiêm ngưỡng, hưởng thụ di sản văn hóa của khách tham quan, cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang đã ứng dụng đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước đã được nghiệm thu vào việc bảo tồn kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà; đồng thời có lộ trình, chiến lược quảng bá những kho Mộc bản; xây dựng các tour du lịch trong đó có địa điểm chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà; thực hiện nhiều biện pháp nhằm công bố, giới thiệu rộng rãi về di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà…

Việc bảo tồn và phát huy các di sản tư liệu là nhiệm vụ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc vì di sản tư liệu chính là hồn phách của dân tộc, là kiến thức và kinh nghiệm của cha ông ta truyền lại, là kho báu về giá trị tri thức và giá trị lịch sử. Tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới sẽ tiếp tục làm tốt công tác gìn giữ, bảo quản và lan tỏa giá trị của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và Mộc bản chùa Bổ Đà nói riêng cũng như các giá trị văn hóa truyền thống nói chung./.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button